Nhiều trường hợp hợp đồng nhà đất bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực theo quy định pháp luật. Nếu không thực hiện, hợp đồng có thể bị vô hiệu, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 129 Bộ luật Dân sự năm 2015.

1. Những hợp đồng nhà đất bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực

a) Hợp đồng về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất

Theo điểm a và b khoản 3 Điều 27 Luật Đất đai năm 2024, các hợp đồng sau đây phải được công chứng hoặc chứng thực:

  • Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (chỉ có đất), quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Trừ trường hợp một hoặc các bên là tổ chức kinh doanh bất động sản.
  • Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.
  • Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.
  • Hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.

b) Hợp đồng về nhà ở

Theo khoản 1 Điều 164 Luật Nhà ở năm 2024, các hợp đồng về nhà ở sau đây bắt buộc công chứng hoặc chứng thực:

  • Hợp đồng mua bán nhà ở.
  • Hợp đồng thuê mua nhà ở.
  • Hợp đồng tặng cho nhà ở.
  • Hợp đồng đổi nhà ở.
  • Hợp đồng góp vốn bằng nhà ở.
  • Hợp đồng thế chấp nhà ở.

Lưu ý: Một số trường hợp không bắt buộc công chứng hoặc chứng thực như: tổ chức tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương; giao dịch liên quan đến tài sản công hoặc một bên là tổ chức, trừ khi các bên có yêu cầu.

2. Nơi thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng

a) Công chứng hợp đồng nhà đất

Theo Điều 42 Luật Công chứng năm 2014, việc công chứng hợp đồng nhà đất được thực hiện tại văn phòng công chứng hoặc phòng công chứng đặt trụ sở tại tỉnh, thành phố nơi có bất động sản.

b) Chứng thực hợp đồng nhà đất

Theo điểm d và đ khoản 2 Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, việc chứng thực hợp đồng nhà đất được thực hiện tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có bất động sản.

Trên đây là thông tin mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 0969.361.319 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.

Trân trọng!

Người biên tập: Nguyễn Anh Quân