Ly hôn là vấn đề trước đến nay luôn rất khó giải quyết bởi nó đặc biệt hơn các mối quan hệ khác là chứa đựng yếu tố tình cảm. Trên thực tế có rất nhiều trường hợp khi ly hôn, vợ hoặc chồng gửi đơn yêu cầu Tòa án nhưng sau đó, họ lại không muốn ly hôn nữa và xin rút đơn ly hôn. Vợ chồng đã nộp đơn thuận tình ly hôn lên Tòa án nhưng hiện giờ muốn rút lại đơn có được không? Và thủ tục rút đơn ly hôn tại Tòa sẽ được tiến hành như thế nào? Thẩm quyền giải quyết ra sao? Thông qua bài viết dưới đây Mys Law sẽ giải đáp thắc mắc liên quan đến thủ tục rút đơn ly hôn thuận tình tại Tòa.

Thủ tục rút đơn ly hôn thuận tình tại Tòa

Cơ sở pháp lý

  • Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
  • Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
  • Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 hướng dẫn mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án với các quy định về án phí dân sự, tạm ứng án phí dân sự, án phí hình sự sơ thẩm, phúc thẩm, án phí hành chính sơ thẩm, phúc thẩm.

Rút đơn ly hôn thuận tình là gì?

Rút đơn ly hôn thuận tình là việc vợ hoặc chồng thay đổi quyết định không muốn ly hôn nữa sau khi đã nộp đơn ly hôn thuận tình lên Tòa án nhân dân cấp quận/huyện nơi một trong hai nơi cư trú hoặc làm việc của vợ chồng.

Các bước tiến hành thủ tục rút đơn ly hôn thuận tình

Khi tham gia vào quá trình tố tụng, một trong những quyền đặc trưng của đương sự là quyền quyết định và tự định đoạt yêu cầu của mình. Khoản 4 điều 70 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có quy định, đương sự có quyền và nghĩa vụ ngang nhau khi tham gia tố tụng và đương sự có quyền “Giữ nguyên, thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu theo quy định của Bộ luật này“.

Ly hôn thuận tình được coi là việc dân sự, trong đó vợ và chồng là người có yêu cầu Tòa án công nhận thuận tình ly hôn. Theo quy định về trường hợp Tòa án trả lại đơn yêu cầu khi người yêu cầu rút đơn yêu cầu tại điểm e Khoản 1 Điều 364 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì:

Điều 364. Trả lại đơn yêu cầu

Tòa án trả lại đơn yêu cầu trong những trường hợp sau đây:

  1. e) Người yêu cầu rút đơn yêu cầu;

Như vậy, khi vợ hoặc chồng rút đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn thì Tòa án trả lại đơn yêu cầu.

Nộp đơn xin rút đơn ly hôn thuận tình theo mẫu

Khi muốn rút đơn ly hôn thuận tình thì vợ hoặc chồng sẽ nộp đơn xin rút đơn ly hôn thuận tình lên Tòa án nhân dân cấp quận/huyện nơi họ đã nộp đơn xin công nhận thuận tình ly hôn.

Nhận lại giấy tờ ly hôn thuận tình

Theo quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 366 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về trường hợp Tòa án quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu và trả lại đơn yêu cầu, tài liệu, chứng cứ kèm theo nếu người yêu cầu rút đơn yêu cầu;

Điều 366. Chuẩn bị xét đơn yêu cầu

Trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, Tòa án tiến hành công việc sau đây:

  1. c) Quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu và trả lại đơn yêu cầu, tài liệu, chứng cứ kèm theo nếu người yêu cầu rút đơn yêu cầu;

Như vậy, trong thời gian chuẩn bị xét đơn yêu cầu nếu người yêu cầu rút đơn yêu cầu thì Tòa án sẽ tiến hành đình chỉ việc xét đơn yêu cầu và trả lại đơn yêu cầu, tài liệu, chứng cứ kèm theo. Khi trả lại đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo thì Tòa án sẽ phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Lệ phí rút đơn thuận tình ly hôn

Tại khoản 3 Điều 218 quy định về Hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự như sau:

Trong trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự do người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện quy định tại điểm c và trường hợp khác quy định tại các điểm d, đ, e và g khoản 1 Điều 217 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì tiền tạm ứng án phí mà đương sự đã nộp sẽ được trả lại cho họ.

Vì vậy, nếu vụ án bị đình chỉ giải quyết do nguyên đơn rút đơn xin ly hôn thì tiền tạm ứng án phí sẽ được trả lại. Việc rút đơn thuận tình ly hôn sẽ không mất bất kỳ một khoản phí hay lệ phí nào.

 Sau khi rút đơn ly hôn thuận tình có nộp lại được không?

Về nguyên tắc, nếu một sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì Tòa án sẽ không được nộp đơn khởi kiện lại.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, đương sự có quyền nộp lại đơn khởi kiện khi muốn yêu cầu ly hôn mà trước đó Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu.

Theo đó, khi Tòa chưa chấp nhận yêu cầu ly hôn thì vẫn có thể nộp đơn ly hôn lần thứ hai.

Ngoài ra, nếu Tòa án chưa thụ lý vụ án mà rút đơn ly hôn thì căn cứ vào quyền tự định đoạt của đương sự được nêu tại Điều 5 Luật Tố tụng dân sự 2015 thì vẫn có quyền nộp đơn lần thứ 2.

Tuy nhiên, cần lưu ý là theo quy định tại Nghị quyết 02/2000/NĐ-HĐTP thì người có đơn yêu cầu xin ly hôn đã bị Tòa án bác đơn khi chưa đủ điều kiện để yêu cầu ly hôn thì phải sau 01 năm kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa có hiệu lực pháp luật, người này mới được nộp lại đơn ly hôn.

Trên đây là nội dung về Thủ tục rút đơn ly hôn thuận tình tại Tòa. mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 0969.361.319 hoặc email: [email protected] 

Trân trọng!