Hiện nay, bạo lực học đường đang trở thành một vấn nạn nhức nhối đối với ngành giáo dục. Một số vụ việc cho thấy sự bất lực của nhà trường, gia đình trước vấn nạn này. Có nhiều nạn nhân của bạo lực học đường không được bảo vệ kịp thời đã bỏ học, nhiều học sinh bị trầm cảm, chán học. Thậm chí có bạn tìm đến cách giải thoát tiêu cực nhất là tự tử. Câu hỏi đặt ra là những kẻ bạo lực học đường thì sẽ bị xử lý như thế nào? Hãy cùng Mys Law tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
Căn cứ pháp lý:
- Luật xử lý vi phạm hành chính 2012
- Bộ luật Dân sự 2015
- Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017
- Luật Trẻ em 2016
Bạo lực học đường là gì?
Chúng ta có thể hiểu đơn giản: Bạo lực học đường là những hành vi thô bạo, ngang ngược, đi gây hấn và bắt nạt người khác, bất chấp công lý, đạo lý, xúc phạm trấn áp người khác gây nên những tổn thương về tinh thần và thể xác , đối tượng tham gia là hầu hết các em học sinh ở cuối cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông ( từ 15-17 tuổi) chưa ý thức được hậu quả của hành vi này cũng như những hình thức trách nhiệm pháp lý mà mình phải gánh chịu. Có thể kể đến một số loại bạo lực học đường hiện nay như:
– Bạo lực về thể chất:
Các hành vi đánh đập, bứt tóc, xô đẩy, dứt tóc, xé quần áo, đổ đồ ăn lên người, trấn lột cướp đồ giữa học sinh với nhau.
– Bạo lực bằng lời nói:
Sử dụng những hành vi hoặc lời nói gây xúc phạm, gán ghép hoặc bôi nhọ, sỉ nhục, chế nhạo hoặc bắt người khác làm theo ý mình. Hành vi này có thể ở giáo viên đối với học sinh hoặc học sinh với nhau.
– Bạo lực tâm lý:
Có thể đến từ hành vi xâm phạm tình dục, có thể động chạm những bộ phận nhạy cảm hoặc thậm chí có những hành vi cưỡng ép tình dục, hiếp dâm, … Hành vi này xảy ra giáo viên đối với học sinh hoặc học sinh với nhau.
– Bạo lực xã hội:
Phân biệt đối xử, cô lập, tẩy chay, nói xấu, bêu rếu xung quanh hay thậm chí là trên mạng xã hội.
– Bạo lực điện tử:
Là hành vi uy hiếp bằng các phương tiện điện tử như gọi điện, nhắn tin, đe dọa và bêu rếu người nào đó trên mạng xã hội.
Nguyên nhân dẫn đến hành vi bạo lực học đường?
– Thứ nhất, đó là nguyên nhân từ chính các em học sinh. Vì các đối tượng tham gia hầu hết là học sinh (từ 12-17 tuổi), đây là lứa tuổi mà tâm, sinh lý các em có nhiều biến đổi, suy nghĩ bồng bột, thích tự chứng tỏ bản thân, dễ bị bạn bè rủ rê, lôi kéo, tâm lý có những nét bất ổn, đôi lúc bốc đồng, không kiểm soát được hành vi bản thân. Trong giai đoạn này, chỉ cần sự tác động, kích thích xấu từ bên ngoài cũng khiến các em học theo, do sự phát triển thiếu toàn diện, thiếu hụt về nhân cách, thiếu khả năng ứng xử, sự non nớt trong kỹ năng sống, sự sai lệch trong quan điểm, chuẩn mực sống… sẽ dẫn đến nhận thức và hành động sai.
– Thứ hai, nguyên nhân từ môi trường gia đình và xã hội: môi trường đầu tiên mà mỗi đứa trẻ được sinh ra tiếp xúc là gia đình, bố, mẹ là những người có ảnh hưởng đầu tiên và quan trọng nhất đến việc hình thành tính cách, nhân cách và định hướng sống của con cái. Trong tình hình hiện nay, có không ít ông bố, bà mẹ dạy con bằng cách la mắng, đánh đập thô bạo con khi con mắc sai lầm, dần dần đã hình thành trong con cái tính hung hăng hơn. Việc con cái tiếp xúc với văn hóa như phim ảnh, sách báo, game, đồ chơi (kiếm, súng) mang tính bạo lực… cũng gây ra những tác động tiêu cực, thúc đẩy sự gia tăng tính hung hăng ở trẻ.
– Thứ ba, nguyên nhân từ nhà trường: các trường học còn nặng về việc truyền thụ kiến thức cho học sinh, đôi khi lãng quên nhiệm vụ giáo dục con người. Mặt khác, cuộc sống thực dụng, chạy theo đồng tiền của một phần xã hội đã làm cho giá trị quan trọng của nhà trường, đạo đức của một bộ phận thầy cô giáo bị xuống cấp. Một số vụ việc học sinh đánh nhau ngay tại lớp học nhưng nhà trường không hay biết, chỉ đến khi trên mạng xuất hiện clip mới quay lại xác minh, xử lý.
Bạo lực học đường sẽ bị xử lý như thế nào?
Biện pháp xử phạt hành chính
Căn cứ Điều 5 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 thì:
“Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý”
Với hình thức Cảnh cáo được quy định tại Điều 22 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012.
“Cảnh cáo được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và theo quy định thì bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện”
Biện pháp xử lý dân sự
Bên cạnh đó, hành vi này cũng xâm phạm tới sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm nên có thể phải bồi thường thiệt hại dân sự do xâm phạm sức khoẻ. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm quy định tại Điều 593 Bộ luật Dân sự 2015 bao gồm:
– Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại.
– Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
– Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
– Thiệt hại khác do luật quy định.
Việc đánh đập này nếu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của trẻ khác thì phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm bị xâm phạm theo quy định tại Điều 592. Thiệt hại được xác định như sau:
– Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
– Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
– Thiệt hại khác do luật quy định.
Ngoài ra, còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần như:
– Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 (của Bộ luật dân sự 2015).
– Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình (Điều 586 Bộ luật dân sự 2015).
Biện pháp xử lý hình sự
Theo Điều 12 Bộ luật hình sự thì:
“Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.
Theo đó những học sinh đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội sau:
Tội cố ý gây thương tích theo Điều 104 Bộ luật hình sự :
Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
– Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
– Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
– Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm.
Ngoài ra, cũng có thể phạm tội làm nhục người khác theo Điều 121 Bộ luật hình sự 2015:
“Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.
Trên đây là kiến thức mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 0969.361.319 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.
Trân trọng!