1. Nhiều quy định có lợi cho giáo viên các cấp từ 30/05/2023
Tại Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo hạng cho giáo viên các cấp.
Theo đó, để được thăng hạng hoặc để được coi là đáp ứng điều kiện của hạng đang giữ, giáo viên chỉ cần có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp chung giành cho giáo viên cấp đó mà không cần của từng hạng riêng như trước đây.
Quy định này chính thức áp dụng từ ngày 30/5/2023 khi Thông tư 08 có hiệu lực thi hành.
Đặc biệt, nếu giáo viên nào đã có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp tương đương với hạng mình đang giữ thì không cần phải đi học chương trình bồi dưỡng để được cấp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp tương ứng với cấp học mà có thể sử dụng chính chức danh nghề nghiệp theo hạng đang sở hữu.
– Nới yêu cầu bằng cấp của giáo viên tiểu học hạng 1 và giáo viên trung học cơ sở hạng 1. Theo đó, hai đối tượng giáo viên này không cần có bằng tốt nghiệp thạc sĩ trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên tương ứng mà chỉ cần bằng cử nhân ngành đào tạo tương ứng với cấp học mình đang công tác.
– Sửa thời gian giữ hạng khi giáo viên mầm non thăng hạng: Thay vì phải giữ hạng 3 trong thời gian 09 năm tính đến thời hạn nộp hồ sơ thăng hạng thì giờ đây, giáo viên mầm non hạng 3 chỉ cần giữ hạng 3 trong thời gian 03 năm trở lên tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ thăng hạng.
Tuy nhiên, với giáo viên mầm non hạng 2, khi muốn thăng lên hạng 1 thì phải giữ thời gian ở hạng 2 lâu hơn (từ 06 năm lên 09 năm).
Do đó, việc yêu cầu cung cấp minh chứng về thực hiện nhiệm vụ của hạng khi bổ nhiệm hạng mới là việc làm không cần thiết.
2. Thay đổi cách xác định người trúng tuyển thăng hạng viên chức thư viện
Một trong những chính sách mới tháng 5/2023 với công chức viên chức là quy định áp dụng với viên chức chuyên ngành thư viện, di sản văn hoá tại Thông tư số 03/2023/TT-BVHTTDL.
Cụ thể, viên chức chuyên ngành thư viện, di sản văn hoá được coi là trúng tuyển kỳ xét thăng hạng nếu đáp ứng đủ điều kiện về tiêu chuẩn, điều kiện dự xét thăng hạng và có đầy đủ hồ sơ xét thăng hạng và được người đứng đầu công nhận kết quả trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng.
Trong khi đó, quy định cũ tại Điều 10 Thông tư 10/2019/TT-BVHTTDL lại quy định người dự xét thăng hạng phải đáp ứng điều kiện về điểm số như sau: Có đủ hồ sơ, chấm điểm hồ sơ đạt từ 50/100 điểm trở lên trừ trường hợp thẩm định xét trên hồ sơ.
Đồng thời, Thông tư 03 cũng bổ sung thêm quy định về trường hợp có từ 02 người bằng điểm nhau khi thẩm định hồ sơ ở chỉ tiêu cuối cùng thì xác định người trúng tuyển theo thứ tự ưu tiên sau đây: Viên chức là nữ; là người dân tộc thiểu số, là người nhiều tuổi hơn, là người có thời gian công tác nhiều hơn.
3. Hướng dẫn vị trí việc làm ngành Công Thương từ 10/5/2023
Tại Thông tư số 06/2023/TT-BCT và Thông tư 07/2023/TT-BCT, Bộ Công Thương đã hướng dẫn vị trí việc làm công chức, viên chức ngành Công Thương theo nguyên tắc như sau:
– Mỗi vị trí việc làm phải có tên gọi cụ thể và gắn với ngạch công chức hoặc hạng chức danh nghề nghiệp tương ứng.
– Đội ngũ công chức, viên chức phải được gắn tinh giản biên chế với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng của đội ngũ công chức, viên chức chuyên ngành Công Thương.
– Trình độ đào tạo yêu cầu của công chức, viên chức chuyên ngành Công Thương gồm trình độ đào tạo, bồi dưỡng; chứng chỉ; kinh nghiệm công tác; phẩm chất và các yêu cầu khác theo từng vị trí việc làm cụ thể…
Đặc biệt, nếu công chức hoặc viên chức chuyên ngành này hiện đang giữ có ngạch cao hơn ngạch công chức hoặc hạng viên chức theo yêu cầu của vị trí việc làm thì được bảo lưu ngạch/hạng chức danh nghề nghiệp đó cho đến khi có hướng dẫn mới về chế độ tiền lương.
Trên đây là chính sách mới tháng 5/2023 với công chức viên chức. Nếu có thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết vui lòng liên hệ Mys Law thông qua email: [email protected]