Hóa đơn là chứng từ do người bán lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật. Việc hóa đơn điện tử lập sai thời điểm cũng được quy là vi phạm và sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng với doanh nghiệp. Do đó, việc phải hiểu rõ thời điểm xuất hóa đơn điện tử chính là nghiệp vụ quan trọng của mỗi kế toán. Vậy khi đã xảy ra hành vi lập hoá đơn không đúng thời điểm sẽ bị xử phạt như thế nào. Hãy cùng Mys Law tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
Căn cứ pháp lý:
– Nghị định 125/2020/NĐ-CP;
– Công văn 2768/TCT-PC năm 2021;
– Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2020;
– Luật Quản lý thuế năm 2019;
1. Thời điểm thực hiện hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm:
Theo điểm c, d khoản 1 Điều 8 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định:
– Hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn đang được thực hiện là các hành vi quy định tại khoản 4 Điều 21; điểm b khoản 2 và khoản 3 Điều 23; khoản 2, khoản 5 Điều 24; điểm b khoản 3 Điều 25; điểm b khoản 2 và điểm b, c, d khoản 3 Điều 27; điểm b khoản 5 Điều 29; điểm b khoản 3 Điều 30 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.
– Hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn không thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản này là hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc. Thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm là ngày thực hiện hành vi vi phạm đó.
Căn cứ quy định nêu trên, thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm quy định về lập hóa đơn quy định tại khoản 1, 3, 4 Điều 24 Nghị định 125/2020/NĐ-CP là ngày thực hiện hành vi vi phạm (ngày lập hóa đơn).
Trường hợp người nộp thuế thực hiện nhiều hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm thì cơ quan thuế căn cứ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm (ngày lập hóa đơn) để xử phạt về từng hành vi vi phạm theo quy định.
(Điểm b mục 4 Công văn 2768/TCT-PC năm 2021)
2. Xử phạt hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm:
Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định:
+ Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định.
Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần.
+ Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó.
+ Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng;
– Đồng thời, căn cứ khoản 2 Điều 136 Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định:
Vi phạm hành chính về sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn hoặc sử dụng hóa đơn không đúng quy định dẫn đến thiếu thuế, trốn thuế thì không xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn mà bị xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế
Dẫn chiếu đến điểm d khoản 3 Điều 5 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định:
Hành vi vi phạm về sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn thuộc trường hợp bị xử phạt theo Điều 16, Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP thì không bị xử phạt theo Điều 28 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.
Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp người nộp thuế thực hiện hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn thuộc trường hợp bị xử phạt theo Điều 16 (khai sai dẫn đến thiếu thuế), Điều 17 (trốn thuế) Nghị định 125/2020/NĐ-CP thì không bị xử phạt theo Điều 28 (hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn) Nghị định 125/2020/NĐ-CP.
Trường hợp người nộp thuế lập hóa đơn không đúng thời điểm thuộc hành vi vi phạm quy định về lập hóa đơn (Điều 24 Nghị định 125/2020/NĐ-CP) và hành vi quy định tại điểm c khoản 1 Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP thì người nộp thuế bị xử phạt về từng hành vi vi phạm theo quy định.
(Điểm a mục 4 Công văn 2768/TCT-PC năm 2021)
Trên đây là thông tin mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 1900866637 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.
Trân trọng!