Có thể thấy người dưới 15 tuổi được quyền giao kết hợp đồng lao động nếu có người đại diện theo pháp luật của người đó cùng ký vào hợp đồng lao động. Người dưới 15 tuổi là người chưa thành niên. Vì vậy, người đại diện hợp pháp trong trường hợp này là cha, mẹ, người giám hộ được tòa án chỉ định của người dưới 15 tuổi. Nếu sử dụng lao động chưa đủ tuổi lao động mà không có người đại diện theo pháp luật cùng ký kết hợp đồng sẽ bị xử phạt như thế nào? Hãy cùng Mys Law tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
Căn cứ pháp lý:
– Bộ luật Dân sự 2015;
– Nghị định 12/2022/NĐ-CP;
– Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017;
– Bộ luật Lao động 2019.
1. Người đại diện theo pháp luật đối với lao động chưa đủ tuổi là ai?
Theo khoản 1 Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.
Theo Điều 136 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về đại diện theo pháp luật của cá nhân bao gồm:
“Điều 136. Đại diện theo pháp luật của cá nhân
1. Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.
2. Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định.
3. Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
4. Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.”
Theo quy định nêu trên thì cha mẹ là người đại diện theo pháp luật đối với lao động chưa đủ tuổi.
2. Mức xử phạt hành vi sử dụng người lao động chưa đủ tuổi:
2.1. Mức xử phạt hành chính:
Theo điểm a khoản 2 Điều 29 Nghị định 12/2022/NĐ-CP mức xử phạt vi phạm quy định về lao động chưa thành niên như sau:
“Điều 29. Vi phạm quy định về lao động chưa thành niên
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không lập sổ theo dõi riêng hoặc có lập sổ theo dõi riêng nhưng không ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại khoản 3 Điều 144 của Bộ luật Lao động khi sử dụng lao động chưa thành niên hoặc không xuất trình sổ theo dõi khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Sử dụng lao động chưa thành niên mà chưa có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên đó;
b) Sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc mà: giao kết hợp đồng lao động không bằng văn bản với người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó; bố trí thời giờ làm việc ảnh hưởng đến thời gian học tập của người chưa đủ 15 tuổi; không có giấy khám sức khỏe của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền xác nhận sức khỏe của người chưa đủ 15 tuổi phù hợp với công việc; không tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất 01 lần trong 06 tháng hoặc không bảo đảm điều kiện làm việc, an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với lứa tuổi;
c) Sử dụng lao động chưa thành niên làm việc quá thời giờ làm việc quy định tại Điều 146 của Bộ luật Lao động;
d) Sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm;
đ) Sử dụng người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm thêm giờ hoặc làm việc vào ban đêm trong những nghề, công việc không được pháp luật cho phép.
3. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Sử dụng người từ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi làm công việc ngoài danh mục được pháp luật cho phép theo quy định tại khoản 3 Điều 143 của Bộ luật Lao động;
b) Sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm công việc ngoài danh mục được pháp luật cho phép theo quy định tại khoản 3 Điều 145 của Bộ luật Lao động hoặc sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm công việc được pháp luật cho phép mà chưa được sự đồng ý của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
c) Sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm các công việc bị cấm hoặc làm việc tại nơi làm việc bị cấm quy định tại Điều 147 của Bộ luật Lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.”
Như vậy, trường hợp doanh nghiệp ký kết hợp đồng lao động với trẻ em 14 tuổi mà không có sự đồng ý của cha mẹ của đứa trẻ đó thì doanh nghiệp có thể bị xử phạt hành tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng.
Đây là mức phạt của cá nhân, trường hợp là tổ chức mức phạt sẽ gấp đôi với mức phạt nêu trên theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
2.2. Mức xử phạt hình sự:
Ngoài ra tội sử dụng lao động trẻ em còn được quy định về sử dụng lao động trẻ em dưới 16 tuổi tại Khoản 98 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 như sau:
“98. Sửa đổi, bổ sung Điều 296 như sau:
Điều 296. Tội vi phạm quy định về sử dụng người lao động dưới 16 tuổi
1. Người nào sử dụng người lao động dưới 16 tuổi làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với chất độc hại theo danh mục mà Nhà nước quy định thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Làm chết người;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
3. Hợp đồng lao động ký kết với người lao động chưa đủ tuổi bắt buộc phải có chữ ký của người đại diện theo pháp luật của đứa trẻ đó không?
Theo khoản 4 Điều 18 Bộ luật Lao động 2019 quy định về thẩm quyền ký kết hợp đồng lao động như sau:
“Điều 18. Thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động
…4. Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người đó;
c) Người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó;
d) Người lao động được những người lao động trong nhóm ủy quyền hợp pháp giao kết hợp đồng lao động…”
Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 145 Bộ luật Lao động 2019 quy định sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc như sau:
“Điều 145. Sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc
1. Khi sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc, người sử dụng lao động phải tuân theo quy định sau đây:
a) Phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó;…”
Như vậy, khi sử dụng trẻ em 14 tuổi làm việc, doanh nghiệp phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với đứa trẻ đồng thời phải có chữ ký của người đại diện theo pháp luật của đứa trẻ đó, cụ thể là cha mẹ của đứa trẻ.
Trên đây là thông tin được Mys law đề cập tới. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 1900866637 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.
Trân trọng!