Hiện tại rất nhiều phản ánh tình trạng các cuộc lừa đảo diễn ra, tập trung vào thanh toán trực tuyến. Trong đó có hình thức lừa đảo gọi điện giả danh cơ quan chức năng, gửi đường link giả danh cơ quan nhà nước, để lừa nạn nhân truy cập vào, từ đó dùng những thủ thuật và rút hết tiền trong tài khoản ngân hàng của nạn nhân. Đáng chú ý, những tháng gần đây có thêm hình thức lừa đảo mới, kiểm soát quyền truy cập điện thoại của nhiều người. Thông qua bài viết dưới đây, Mys Law sẽ hướng dẫn cách tra cứu số tài khoản ngân hàng lừa đảo.

1. Hướng dẫn cách tra cứu số tài khoản ngân hàng lừa đảo:

Để có thể tra cứu số tài khoản ngân hàng có phải là số tài khoản ngân hàng lừa đảo không thì có thể thực hiện các bước như sau:

Bước 1: Truy cập vào đường link sau: https://tinnhiemmang.vn/tra-cuu-tai-khoan

 

Bước 2: Nhập số tài tài khoản cần tra cứu tại ô “Tìm kiếm”

Bước 3: Nếu kết quả trả về gồm số tài khoản, tên tài khoản, ngân hàng kèm dòng chữ đỏ “Cảnh báo lừa đảo” thì số tài khoản ngân hàng này là số tài khoản ngân hàng lừa đảo.

2. Đối tượng mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng thương mại:

Đối tượng mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng thương mại theo Điều 11 Thông tư 23/2014/TT-NHNN (sửa đổi tại Thông tư 02/2019/TT-NHNN) như sau:

– Cá nhân mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm:

+ Người từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam;

+ Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự;

+ Người chưa đủ 15 tuổi, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật Việt Nam mở tài khoản thanh toán thông qua người đại diện theo pháp luật;

+ Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của pháp luật Việt Nam mở tài khoản thanh toán thông qua người giám hộ.

– Tổ chức được thành lập, hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam bao gồm: tổ chức là pháp nhân, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh và các tổ chức khác được mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật.

3. Quy định về sử dụng tài khoản thanh tại ngân hàng thương mại:

Quy định về sử dụng tài khoản thanh tại ngân hàng thương mại theo Điều 15 Thông tư 23/2014/TT-NHNN (sửa đổi tại Thông tư 02/2019/TT-NHNN) như sau:

– Chủ tài khoản được sử dụng tài khoản thanh toán để nộp, rút tiền mặt và yêu cầu tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản như: cung ứng phương tiện thanh toán, thực hiện dịch vụ thanh toán séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng, thư tín dụng, chuyển tiền, thu hộ, chi hộ và các dịch vụ gia tăng khác phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hướng dẫn khách hàng các nguyên tắc và điều kiện sử dụng tài khoản thanh toán trong trường hợp giao dịch theo phương thức truyền thống hoặc giao dịch điện tử phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, đảm bảo có đủ thông tin cần thiết để kiểm tra, đối chiếu và nhận biết khách hàng, trong quá trình sử dụng tài khoản thanh toán.

– Việc sử dụng tài khoản thanh toán của cá nhân là người chưa đủ 15 tuổi, người hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi phải được thực hiện thông qua người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật.

Người giám hộ, người đại diện theo pháp luật thực hiện các giao dịch thanh toán thông qua tài khoản thanh toán của người được giám hộ hoặc người mà mình làm đại diện theo quy định của pháp luật dân sự về giám hộ và đại diện.

– Việc sử dụng tài khoản thanh toán chung phải thực hiện đúng theo các nội dung tại văn bản thỏa thuận (hoặc hợp đồng) quản lý và sử dụng tài khoản thanh toán chung của các chủ tài khoản và phải tuân theo các nguyên tắc sau:

+ Các chủ tài khoản thanh toán chung có quyền và nghĩa vụ ngang nhau đối với tài khoản thanh toán chung và việc sử dụng tài khoản thanh toán chung phải được sự chấp thuận của tất cả các chủ tài khoản. Mỗi chủ tài khoản phải chịu trách nhiệm thanh toán cho toàn bộ các nghĩa vụ nợ phát sinh từ việc sử dụng tài khoản thanh toán chung;

+ Thông báo liên quan đến việc sử dụng tài khoản thanh toán chung phải được gửi đến tất cả các chủ tài khoản, trừ trường hợp giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và các chủ tài khoản thanh toán chung có thỏa thuận khác;

+ Từng chủ tài khoản thanh toán chung có thể ủy quyền cho người khác thay mặt mình sử dụng tài khoản thanh toán chung nhưng phải được sự đồng ý bằng văn bản của tất cả các chủ tài khoản chung còn lại;

+ Khi một trong các chủ thể đứng tên mở tài khoản thanh toán chung là cá nhân bị chết, bị tuyên bố là đã chết, bị tuyên bố mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; chủ thể đứng tên mở tài khoản thanh toán chung là tổ chức bị giải thể, phá sản hoặc chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật thì quyền sử dụng tài khoản và nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài khoản thanh toán chung được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Trên đây là thông tin mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 1900866637 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.

Trân trọng!