Ốm đau là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống. Vậy trường hợp người lao động nghỉ ốm 1 ngày có được hưởng lương không? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây của Mys Law để có được câu trả lời.
1. Nghỉ ốm 1 ngày có được hưởng lương không?
Nếu không may bị ốm, người lao động có thể xin nghỉ làm để hưởng một trong 02 chế độ sau đây: Nghỉ phép năm do bị ốm hoặc nghỉ hưởng chế độ ốm đau.
Người lao động chỉ được lựa chọn nghỉ theo một trong 02 chế độ kể trên bởi khoản 2 Điều 3 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH nêu rõ, sẽ không giải quyết hưởng chế độ ốm đau cho người lao động bị ốm đau, tai nạn (không phải là tai nạn lao động) trong thời gian đang nghỉ phép năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không lương.
Người lao động nghỉ ốm 01 ngày sẽ được hưởng lương nếu chọn phương án xin nghỉ phép năm để nghỉ ốm. Bởi theo khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động nghỉ hằng năm được hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động.
Người lao động xin nghỉ phép năm khi bị ốm cần phải được người sử dụng lao động đồng ý.
Trong khi đó, nếu chọn phương án nghỉ hưởng chế độ ốm đau thì người lao động nghỉ ốm 01 ngày không được trả lương nhưng được hưởng trợ cấp từ cơ quan bảo hiểm xã hội.
Theo Điều 6 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, người lao động nghỉ ốm 01 ngày được hưởng trợ cấp ốm đau như sau:
Tiền trợ cấp ốm đau trong 01 ngày = 75% x Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc : 24
Với cách này, người lao động nghỉ làm không cần người sử dụng lao động đồng ý nhưng cần báo cho người sử dụng lao động biết để họ chủ động sắp xếp công việc, cũng như sau này làm hồ sơ hưởng chế độ ốm đau gửi cơ quan bảo hiểm xã hội.
2. Nghỉ ốm 1 ngày nên nghỉ phép hay nghỉ chế độ bảo hiểm?
Khi bị ốm, người lao động có thể lựa chọn nghỉ phép hoặc nghỉ chế độ ốm đau. Tuy nhiên, mỗi chế độ lại có mức hưởng khác nhau nên người lao động cần cân nhắc kỹ.
Chế độ | Nghỉ phép | Nghỉ chế độ ốm đau |
Mức hưởng khi nghỉ ốm 01 ngày | Tiền chế độ = 100% lương của ngày làm việc đó | Tiền chế độ = 75% x Mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc : 24 x Số ngày nghỉ |
Căn cứ | Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 | Điều 6 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH |
Từ bảng trên, có thể thấy rõ, tiền trợ cấp khi nghỉ chế độ ốm đau ít hơn hẳn khoản tiền lương khi nghỉ phép, chưa kể nhiều trường hợp người lao động còn bị đóng bảo hiểm xã hội ở mức lương thấp hơn rất nhiều so với số tiền thực nhận.
Vì vậy, nếu còn ngày nghỉ hằng năm thì người lao động nghỉ ốm 1 ngày nên chọn phương án xin nghỉ phép để được lợi hơn.
3. Một tháng được nghỉ ốm tối đa bao nhiêu ngày?
Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 hiện chỉ quy định về thời gian nghỉ chế độ ốm đau tối đa trong 01 năm của người lao động với số ngày từ 30 đến 70 ngày làm việc/năm. Riêng trường hợp mắc bệnh cần điều trị ốm đau dài ngày thì được có thể nghỉ dài hơn rất nhiều, thậm chí thời gian nghỉ ốm có thể bằng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.
Pháp luật hiện không giới hạn thời gian nghỉ ốm trong 01 tháng nhưng người lao động có thể xin nghỉ ốm cả tháng, miễn sao đảm bảo tổng thời gian nghỉ ốm trong năm không vượt quá số ngày sau đây:
– Người lao động ốm đau không thuộc bệnh điều trị dài ngày:
Nếu làm việc trong điều kiện bình thường thì được nghỉ tối đa: 30 ngày làm việc nếu đã đóng bảo hiểm dưới 15 năm, 40 ngày làm việc nếu đã đóng bảo hiểm từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm, 60 ngày làm việc nếu đã đóng bảo hiểm từ đủ 30 năm trở lên.
Nếu làm nghề/công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực từ 0,7 thì được nghỉ tối đa: 40 ngày làm việc nếu đã đóng bảo hiểm dưới 15 năm, 50 ngày làm việc nếu đã đóng bảo hiểm từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm, 70 ngày làm việc nếu đã đóng bảo hiểm từ đủ 30 năm trở lên.
– Người lao động mắc bệnh cần điều trị dài ngày:
Được nghỉ tối đa 180 ngày (bao gồm cả ngày lễ, Tết và ngày nghỉ hằng tuần).
Hết thời hạn 180 ngày mà vẫn cần phải điều trị thì được nghỉ tiếp với thời gian tối đa bằng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.
Trên đây là thông tin mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 1900866637 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.
Trân trọng!