Ngày 20/6/2023, Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.
Hòa giải là việc các bên tiến hành “thương lượng giải quyết tranh chấp” với sự hỗ trợ của người trung gian, hay còn gọi là hòa giải viên. Đây cũng được xem là phương thức giải quyết tranh chấp không chịu sự điều chỉnh của pháp luật, được thực hiện hòa toàn dựa trên thiện chí của các bên.
1. Hòa giải viên hòa giải tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức kinh doanh
Theo Điều 64 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 quy định hòa giải viên hòa giải tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh bao gồm:
(1) Hòa giải viên theo quy định của pháp luật về hòa giải có liên quan;
(2) Hòa giải viên thuộc tổ chức quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều 63 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 là công dân Việt Nam đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
– Có phẩm chất đạo đức tốt, trung thực, có uy tín;
– Có kỹ năng hòa giải, hiểu biết pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và pháp luật khác có liên quan;
– Không đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích.
(3) Trường hợp tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh mà có người dân tộc thiểu số thì phải có ít nhất 01 hòa giải viên là người dân tộc thiểu số hoặc là người sử dụng thông thạo tiếng của dân tộc thiểu số đó.
Trường hợp không có hòa giải viên đáp ứng yêu cầu tại khoản 3 Điều 64 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 thì các bên tham gia hòa giải tự bố trí phiên dịch hoặc đề nghị hòa giải viên bố trí phiên dịch, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
2. Quy định về kết quả hòa giải thành giữa người tiêu dùng và tổ chức kinh doanh
Căn cứ theo Điều 65 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 quy định về kết quả hòa giải thành giữa người tiêu dùng và tổ chức kinh doanh như sau:
– Khi đạt được kết quả hòa giải thành, các bên lập văn bản về kết quả hòa giải thành.
– Văn bản về kết quả hòa giải thành đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều 63 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 phải có các nội dung sau đây:
+ Tổ chức, cá nhân tiến hành hòa giải;
+ Các bên tham gia hòa giải;
+ Thời gian, địa điểm tiến hành hòa giải;
+ Nội dung hòa giải;
+ Ý kiến của các bên tham gia hòa giải;
+ Kết quả hòa giải và giải pháp thực hiện;
+ Thời hạn thực hiện kết quả hòa giải thành;
+ Nội dung khác theo thỏa thuận của các bên phù hợp với quy định của pháp luật.
– Văn bản về kết quả hòa giải phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên tham gia hòa giải, có chữ ký xác nhận của cá nhân tiến hành hòa giải và đóng dấu xác nhận của tổ chức tiến hành hòa giải (nếu có).
3. Quy định về thực hiện và công nhận kết quả hòa giải thành giữa người tiêu dùng và tổ chức kinh doanh
Cụ thể tại Điều 66 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 quy định về thực hiện và công nhận kết quả hòa giải thành giữa người tiêu dùng và tổ chức kinh doanh như sau:
– Các bên tham gia hòa giải có trách nhiệm thực hiện kết quả hòa giải thành trong thời hạn đã thỏa thuận trong văn bản về kết quả hòa giải thành.
– Một trong các bên tham gia hòa giải có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành.
– Việc yêu cầu và công nhận kết quả hòa giải thành thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Trên đây là thông tin mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 1900866637 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.
Trân trọng!