Trong thời đại hiện nay, việc ly hôn đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng, đặc biệt ly hôn xảy ra phổ biến giữa các cặp vợ chồng trẻ. Theo đó, khi một cuộc hôn nhân bị rạn nứt bởi một hay nhiều lý do khiến cho một trong hai người muốn chấm dứt cuộc hôn nhân này bằng cách nộp đơn yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp do ly hôn quá vội vàng dẫn đến việc vợ chồng vẫn còn tình cảm với nhau sau khi đã ly hôn và cảm thấy có thể tiếp tục chung sống tiếp với nhau. Vậy vợ chồng ly hôn muốn quay lại với nhau có cần phải đăng ký kết hôn không? Hãy cùng Mys Law tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
Căn cứ pháp lý:
– Luật Hôn nhân và gia đình 2014;
– Nghị định 123/2015/NĐ-CP.
1. Vợ chồng ly hôn muốn quay lại với nhau có cần phải đăng ký kết hôn không?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về đăng ký kết hôn như sau:
– Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch.
Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định này thì không có giá trị pháp lý.
– Vợ chồng đã ly hôn muốn xác lập lại quan hệ vợ chồng thì phải đăng ký kết hôn.
Như vậy, theo quy định, vợ chồng đã ly hôn muốn xác lập lại quan hệ vợ chồng thì phải đăng ký kết hôn. Nếu không được đăng ký theo quy định thì sẽ không có giá trị pháp lý.
2. Điều kiện kết hôn lại sau khi ly hôn
Theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân gia đình 2014 thì điều kiện để tái kết hôn bao gồm:
– Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
– Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
– Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
– Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân gia đình 2014.
Lưu ý: Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
Như vậy, khi ly hôn vợ chồng muốn đăng ký kết hôn lại phải đáp ứng được các điều kiện theo quy định pháp luật như lần đầu kết hôn.
3. Vợ chồng đã ly hôn, muốn đăng ký kết hôn lại thì cần làm gì?
* Về hồ sơ:
Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 123/2015/NĐ-CP. Người yêu cầu đăng ký kết hôn cần xuất trình và nộp các giấy tờ theo quy định sau đây:
– Người yêu cầu đăng ký kết hôn xuất trình bản chính một trong các giấy tờ là hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng (sau đây gọi là giấy tờ tùy thân) để chứng minh về nhân thân.
– Khi đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp xã: Hai bên nam, nữ nộp tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định cho cơ quan đăng ký hộ tịch và cùng có mặt khi đăng ký kết hôn.
– Khi đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp huyện: Hai bên nam, nữ nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài xác nhận người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
Người nước ngoài, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài phải nộp thêm giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân, bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu.
– Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
Trong đó, trường hợp đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà người yêu cầu đăng ký kết hôn không thường trú tại xã, phường, thị trấn nơi đăng ký kết hôn thì phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền cấp theo quy định tại các Điều 21, 22 và 23 Nghị định 123/2015/NĐ-CP.
Trường hợp đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp huyện thì người yêu cầu đăng ký kết hôn đang cư trú ở trong nước phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền cấp theo quy định tại các Điều 21, 22 và 23 Nghị định 123/2015/NĐ-CP.
– Trường hợp người yêu cầu đăng ký kết hôn đang công tác, học tập, lao động có thời hạn ở nước ngoài thì phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi là Cơ quan đại diện) cấp.
* Về thủ tục cấp giấy xác nhận:
Theo quy định tại Điều 22 Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì thủ tục cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Cụ thể:
– Người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân nộp Tờ khai theo mẫu quy định. Trường hợp yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân nhằm mục đích kết hôn thì người yêu cầu phải đáp ứng đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.
– Trường hợp người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân đã có vợ hoặc chồng nhưng đã ly hôn hoặc người vợ hoặc chồng đã chết thì phải xuất trình hoặc nộp giấy tờ hợp lệ để chứng minh; nếu thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 37 Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì nộp bản sao trích lục hộ tịch tương ứng.
Trên đây là thông tin mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 1900866637 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.
Trân trọng!