Cơ sở dữ liệu căn cước công dân là gì? Cơ sở dữ liệu căn cước công dân có phải là tài sản quốc gia không? Theo dõi bài viết dưới đây của Mys Law để biết thêm thông tin chi tiết.
Căn cứ pháp lí:
Luật Căn cước công dân 2014
Luật cư trú 2020
1. Cơ sở dữ liệu căn cước công dân có phải là tài sản quốc gia không?
Theo khoản 5 Điều 3 Luật Căn cước công dân 2014, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân là cơ sở dữ liệu chuyên ngành, tập hợp thông tin về căn cước công dân Việt Nam, được số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin và là bộ phận của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Mặt khác, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tài sản quốc gia, được Nhà nước bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. (Khoản 1 Điều 10 Luật Căn cước công dân 2014)
Do đó, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân là tài sản quốc gia theo quy định tại Luật Căn cước công dân 2014.
2. Cơ sở dữ liệu căn cước công dân bao gồm những thông tin gì?
Nội dung thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân được thu thập, cập nhật gồm:
– Thông tin quy định tại khoản 1 Điều 9 Căn cước công dân 2014 (sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 37 Luật cư trú 2020);
+ Họ, chữ đệm và tên khai sinh;
+ Ngày, tháng, năm sinh;
+ Giới tính;
+ Nơi đăng ký khai sinh;
+ Quê quán;
+ Dân tộc;
+ Tôn giáo;
+ Quốc tịch;
+ Tình trạng hôn nhân;
+ Nơi thường trú;
+ Nơi tạm trú;
+ Tình trạng khai báo tạm vắng;
+ Nơi ở hiện tại;
+ Quan hệ với chủ hộ;
+ Nhóm máu, khi công dân yêu cầu cập nhật và xuất trình kết luận về xét nghiệm xác định nhóm máu của người đó;
+ Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp;
+ Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân của chủ hộ và các thành viên hộ gia đình;
+ Ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích.”.
– Ảnh chân dung;
– Đặc điểm nhân dạng;
– Vân tay;
– Họ, tên gọi khác;
– Số, ngày, tháng, năm và nơi cấp Chứng minh nhân dân;
– Nghề nghiệp, trừ quân nhân tại ngũ;
– Trình độ học vấn;
– Ngày, tháng, năm công dân thông báo mất Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân.
(Khoản 1 Điều 15 Luật Căn cước công dân 2014)
3. Các yêu cầu xây dựng và quản lý Cơ sở dữ liệu căn cước công dân
Cụ thể tại Điều 14 Luật Căn cước công dân 2014 quy định về các yêu cầu xây dựng và quản lý Cơ sở dữ liệu căn cước công dân như sau:
– Cơ sở dữ liệu căn cước công dân được xây dựng và quản lý tại cơ quan quản lý căn cước công dân Bộ Công an, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương.
– Cơ sở dữ liệu căn cước công dân được xây dựng bảo đảm kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đáp ứng chuẩn về cơ sở dữ liệu và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật công nghệ thông tin.
– Tuân thủ các quy định, chế độ công tác hồ sơ và giao dịch điện tử, công nghệ thông tin.
– Thu thập, cập nhật thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời; bảo đảm hoạt động ổn định, an toàn và bảo mật.
4. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thu thập thông tin vào Cơ sở dữ liệu căn cước công dân
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có các trách nhiệm sau đây trong việc thu thập thông tin vào Cơ sở dữ liệu căn cước công dân:
– Chấp hành đúng quy định về việc cung cấp thông tin, tài liệu cho Cơ sở dữ liệu căn cước công dân;
– Cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu theo quy định Luật Căn cước công dân 2014;
– Thông báo kịp thời thông tin, tài liệu về căn cước khi có sự thay đổi hoặc chưa chính xác.
(Khoản 1 Điều 16 Luật Căn cước công dân 2014)
Trên đây là thông tin mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 1900866637 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.
Trân trọng!