Có nhiều bậc phụ huynh kiểm soát con cái quá mức mà không hề hay biết, vẫn lầm tưởng giữa quan tâm con cái với xâm phạm quyền riêng tư của con cái và coi đó là chuyện hết sức bình thường. Vậy theo quy định của pháp luật, bố mẹ xâm phạm quyền riêng tư của con cái có bị xử lý không? Hãy theo dõi bài viết dưới đây của Mys Law để có câu trả lời.
1. Quyền riêng tư của con gồm những quyền nào?
Trước khi tìm hiểu bố mẹ xâm phạm quyền riêng tư của con sẽ bị xử lý thế nào, bài viết sẽ tổng hợp các quy định về quyền riêng tư của trẻ. Cụ thể:
Căn cứ Điều 21 Hiến pháp năm 2013, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình là những vấn đề được pháp luật bảo vệ, không ai có quyền xâm phạm. Đồng thời, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín… cũng là thông tin riêng tư được pháp luật bảo vệ.
Đây là quy định áp dụng chung với mọi công dân Việt Nam trong đó có trẻ em. Đồng thời, Điều 21 Luật Trẻ em năm 2016 cũng quy định về quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ như sau:
1. Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.
2. Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư.
Như vậy, có thể thấy, bất cứ thông tin nào liên quan đến bí mật cá nhân hoặc thư tín, danh dự, nhân phẩm của con đều là quyền riêng tư của con. Mọi hành vi xâm phạm trái phép đều là hành vi vi phạm pháp luật.
Hành vi xâm phạm bí mật thư tín, điện thoại… của con là hành vi xảy ra phổ biến nhất thường gặp ở các bậc phụ huynh. Cụ thể, kiểm tra điện thoại, các mạng xã hội… của con. Bởi tâm lý phụ huynh là khi con cái còn nhỏ, vì lo lắng nên muốn kiểm soát và biết những mối quan hệ của con cũng như các cuộc trò chuyện, trao đổi của con với bạn bè, thầy cô… để định hướng tốt cho con. Tuy nhiên, đây có thể là hành vi vi phạm pháp luật.
2. Mức phạt khi bố mẹ xâm phạm quyền riêng tư của con cái
2.1. Xử phạt hành chính
Với việc xâm phạm quyền riêng tư của con nói chung và xâm phạm quyền bí mật về thư tín, điện thoại, điện tín sẽ phải bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 – 20 triệu đồng:
- Tiết lộ/phát tán tư liệu, tài liệu là bí mật đời tư của thành viên trong gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người đó hoặc phát tán hình ảnh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên trong gia đình hoặc sử dụng mạng xã hội, trang web… theo Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
- Tiết lộ thông tin là bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân… mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm m khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
2.2. Trách nhiệm hình sự
Ngoài bị phạt hành chính, bố mẹ xâm phạm quyền riêng tư của con cái còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác tại Điều 159 Bộ luật Hình sự năm 2015. Cụ thể:
– Phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20 – 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm: Bố mẹ cố ý đọc, giữ thư từ, tin nhắn điện thoại… trái luật hoặc có các hành vi khác xâm phạm bí mật, an toàn thư tín, điện thoại, điện tín… của con cái.
– Phạt tù từ 01 – 03 năm: Phạm tội 02 lần trở lên, tiết lộ thông tin đã xem xét được khiến ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của người khác; việc bố mẹ xâm phạm quyền riêng tư của con cái khiến con cái tự sát.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 05 – 20 triệu đồng.
Tuy nhiên, quy định của luật là như thế nhưng để xử phạt bố mẹ trong trường hợp này là rất khó bởi luật chưa có quy định cụ thể thế nào là trái luật.
Thường việc “trái luật” sẽ thể hiện ở việc không được người có thư, tin nhắn… đó đồng ý. Tuy nhiên, thực tế không có nhiều trường hợp con cái sẽ tố cáo bố mẹ khi bị xâm phạm quyền riêng tư.
Trên đây là thông tin mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 1900866637 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.
Trân trọng!