Thông tin Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các bộ, ngành và địa phương về việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) xuống mức 8% đối với các nhóm hàng hóa và dịch vụ hiện áp dụng mức thuế suất 10% trong năm 2025 đã nhận được sự đồng tình từ phía người dân và doanh nghiệp.
Chính sách giảm thuế VAT sau đại dịch COVID-19 đã trở thành một thông lệ. Định kỳ, Bộ Tài chính lại tiến hành lấy ý kiến, trình Chính phủ để Quốc hội xem xét thông qua. Theo đề xuất, các nhóm hàng hóa, dịch vụ không thuộc diện ưu đãi, như viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản phẩm từ kim loại, khai khoáng (trừ than), sản phẩm hóa chất và hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, vẫn không được hưởng mức giảm thuế này.
Tuy việc giảm thuế VAT có thể làm giảm nguồn thu ngân sách, nhưng tác động tích cực cũng rõ ràng: giá thành hàng hóa và dịch vụ giảm, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và cải thiện khả năng chi tiêu của người dân. Hàng hóa có giá thấp hơn sẽ giúp tiết kiệm chi phí, hỗ trợ phục hồi kinh tế và nâng cao năng lực tài chính của các hộ gia đình.
Trong bối cảnh sau đại dịch, khi nền kinh tế cần được phục hồi, việc giảm 2% thuế VAT là một biện pháp phù hợp. Dẫu vậy, bài toán cân đối thu chi ngân sách vẫn đặt ra thách thức không nhỏ. Giảm thuế đồng nghĩa với việc nguồn thu ngân sách sẽ giảm hàng chục nghìn tỉ đồng, ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành các chỉ tiêu ngân sách mà Quốc hội giao. Tuy nhiên, qua các năm, chính sách này đã trở thành thông lệ và được người dân, doanh nghiệp dần thích nghi.
Đối với các cá nhân có thu nhập thấp, việc giảm VAT tuy không mang lại thay đổi lớn nhưng vẫn giúp giảm chi phí sinh hoạt, đặc biệt khi giá cả thực phẩm, nhu yếu phẩm duy trì ở mức ổn định. Đối với doanh nghiệp, dù ban đầu gặp một số khó khăn kỹ thuật trong việc điều chỉnh hóa đơn, nhưng những vấn đề này đã được giải quyết qua thời gian.
Một điểm đáng lưu ý là việc giảm thuế VAT hiện vẫn phân biệt giữa các nhóm hàng hóa, dịch vụ. Đã có ý kiến đề xuất miễn giảm đồng loạt 2% VAT cho tất cả các nhóm hàng hóa và dịch vụ, bởi sự phức tạp trong việc xác định đối tượng miễn giảm không chỉ gây khó khăn cho cơ quan thuế mà còn tạo gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp. Nếu thực hiện đồng bộ, chi phí quản lý thuế sẽ được giảm thiểu, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho mọi thành phần kinh tế.
Cần nhấn mạnh rằng, chính sách giảm thuế VAT là sự tuân thủ Hiến pháp và pháp luật về thuế. Tuy nhiên, để phù hợp với tinh thần cải cách và điều hành linh hoạt mà Tổng Bí thư và Chủ tịch Quốc hội đã đề cập, các vấn đề có tính chất thường xuyên, biến động theo thực tiễn nên giao thẩm quyền cho Chính phủ hoặc các địa phương quyết định, bảo đảm chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.
Việc quán triệt và thực hiện hiệu quả chủ trương phân cấp, phân quyền, gắn với tinh thần vì dân, chắc chắn sẽ giúp các chính sách hỗ trợ, trong đó có việc giảm thuế VAT, được triển khai kịp thời hơn, góp phần cải thiện đời sống người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Trên đây là thông tin mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 0969.361.319 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.
Trân trọng!
Người biên tập: Nguyễn Anh Quân