Nợ xấu là gì?
Theo khoản 5 Điều 3 Thông tư 31/2024/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nợ xấu (Non-Performing Loan – NPL) được định nghĩa là các khoản nợ xấu đang được hạch toán trong bảng cân đối kế toán (nợ xấu nội bảng). Các khoản nợ thuộc nhóm 3, 4 và 5 đều được xem là nợ xấu. Trong đó, nợ thuộc nhóm 3 là nợ dưới tiêu chuẩn, nợ thuộc nhóm 4 là nợ nghi ngờ, và nợ thuộc nhóm 5 là nợ có khả năng mất vốn.

Nợ xấu nhóm 5 bao gồm những khoản nợ nào?
Theo Điều 10 Thông tư 31/2024/TT-NHNN, nhóm 5 bao gồm các khoản nợ có khả năng mất vốn như sau: khoản nợ quá hạn trên 360 ngày; khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu nhưng đã quá hạn từ 91 ngày trở lên so với thời hạn được cơ cấu lại lần đầu; khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai nhưng đã quá hạn so với thời hạn được cơ cấu lại lần thứ hai; khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ ba trở lên (ngoại trừ một số trường hợp được quy định cụ thể tại Thông tư).

Ngoài ra, nhóm này còn bao gồm các khoản nợ chưa thu hồi được trong vòng 60 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi; các khoản nợ phải thu hồi theo kết luận thanh tra, kiểm tra nhưng quá thời hạn trên 60 ngày mà chưa thu hồi được; các khoản nợ phải thu hồi trước hạn do khách hàng vi phạm thỏa thuận nhưng chưa thu hồi được trong vòng 60 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi. Nhóm này cũng bao gồm các khoản nợ của khách hàng là tổ chức tín dụng đang bị kiểm soát đặc biệt, các khoản nợ thuộc quy định tại khoản 3 Điều 10 và khoản 4 Điều 8 Thông tư 31/2024/TT-NHNN.

Hình thức mua khoản nợ xấu của ngân hàng là gì?
Theo Điều 197 Luật Các tổ chức tín dụng 2024, tổ chức mua bán, xử lý nợ có thể mua khoản nợ xấu của ngân hàng theo giá trị thị trường hoặc bằng trái phiếu đặc biệt. Trong trường hợp nợ xấu đã được mua bằng trái phiếu đặc biệt, tổ chức này có thể chuyển đổi thành khoản nợ xấu mua theo giá thị trường theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra, tổ chức mua bán, xử lý nợ được phép bán nợ xấu cho pháp nhân hoặc cá nhân và thỏa thuận với các tổ chức tín dụng để phân chia giá trị thu hồi còn lại sau khi trừ giá mua và chi phí xử lý. Tuy nhiên, các tổ chức này chỉ được phép mua khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo giá trị thị trường.

 

Trên đây là thông tin mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 0969.361.319 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.

Trân trọng!

Người biên tập: Nguyễn Anh Quân