Bên cạnh việc cha mẹ giành quyền nuôi con thì không thiếu trường hợp, cả cha và mẹ đều đùn đẩy, không muốn nuôi con khi vợ chồng ly hôn. Vậy theo quy định của pháp luật, ông bà liệu có được giành quyền nuôi cháu khi cha mẹ cháu ly hôn không? Hãy cùng Mys Law tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
Căn cứ pháp lí:
- Luật Hôn nhân và Gia đình 2014
- Bộ Luật Dân sự 2015
Con sẽ ở với ai khi cha mẹ ly hôn?
Theo khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình:
“2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.”
Khi cha mẹ ly hôn, việc quyết định người nào nuôi con sẽ do cha, mẹ tự thoả thuận với nhau. Và Toà án sẽ giải quyết trong trường hợp cha, mẹ không có thoả thuận hoặc có nhưng không thoả thuận được với nhau.
Tuy nhiên, trong trường hợp không thoả thuận, khi quyết định con ở với ai, Toà án sẽ phải căn cứ vào một trong các yếu tố sau đây:
– Con từ đủ 07 tuổi trở lên: Xem xét nguyện vọng của con.
– Con dưới 36 tháng tuổi: Giao cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng nếu người mẹ đủ điều kiện nuôi dưỡng. Chỉ trong trường hợp mẹ không đủ điều kiện trực tiếp nuôi dưỡng thì sẽ giao cho người cha nuôi hoặc theo thoả thuận của cha mẹ (nếu có) hoặc theo quyết định của Toà án.
Khi đó, người không trực tiếp nuôi dưỡng thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con và được quyền nhưng không được lạm dụng việc thăm con để gây ảnh hưởng đến sự phát triển, giáo dục con.
Như vậy, theo quy định hiện nay, khi cha mẹ ly hôn, con có thể được ở với cha hoặc mẹ theo thoả thuận của cha mẹ hoặc theo quyết định của Toà án căn cứ vào các điều kiện tốt nhất của con.
Cha mẹ ly hôn, con có được do ông bà nuôi dưỡng không?
Về quyền, nghĩa vụ của ông bà nội, ông bà ngoại với cháu được quy định tại Điều 104 Luật Hôn nhân và Gia đình như sau:
Ông bà nội, ông bà ngoại có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, sống mẫu mực và nêu gương tốt cho con cháu; trường hợp cháu chưa thành niên, cháu đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người nuôi dưỡng theo quy định tại Điều 105 của Luật này thì ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu.
Theo quy định này, với cháu chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không có anh, chị, em là người nuôi dưỡng thì ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ nuôi dưỡng.
Đồng thời, căn cứ khoản 2 Điều 87 Luật Hôn nhân và Gia đình, việc trông nom, chăm sóc con sẽ được giao cho người giám hộ mà không phải cha mẹ trong các trường hợp sau đây:
– Cha, mẹ đều bị hạn chế quyền với con chưa thành niên.
– Một bên cha, mẹ không bị hạn chế nhưng không đủ điều kiện để nuôi dưỡng, chăm sóc, thực hiện quyền, nghĩa vụ với con.
– Một bên cha, mẹ bị hạn chế quyền với con chưa thành niên và một bên còn lại chưa xác định được cha, mẹ.
Khi đó, thứ tự người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên được quy định tại Điều 52 Bộ luật Dân sự gồm:
– Anh ruột, chị ruột là anh, chị cả. Nếu hai người này không đủ điều kiện thì anh, chị ruột tiếp theo là người giám hộ.
– Nếu không có anh, chị ruột thì người giám hộ đương nhiên là ông bà nội, ông bà ngoại.
Như vậy, căn cứ các quy định này, ông bà vẫn giành được quyền nuôi cháu khi cha mẹ cháu ly hôn nhưng phải đáp ứng thêm một số điều kiện gồm:
– Cha mẹ không giành được quyền nuôi con.
– Không có anh, chị ruột đủ điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc em.
Trên đây là quy định về trường hợp ông bà có được giành quyền nuôi cháu khi bố mẹ ly hôn không? Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 0969.361.319 hoặc email: [email protected]
Trân trọng!