1. Đề xuất tổ chức kỳ thi quốc gia để cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư
Dự thảo Tờ trình Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023
Tại dự thảo Tờ trình Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 có nêu:
– Luật Luật sư quy định chế định “người tập sự hành nghề luật sư” với một số quyền hạn chế.
Thực tiễn triển khai chế định này cho thấy Đoàn Luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam không có cơ sở pháp lý để quản lý người tập sự hành nghề luật sư, nhất là đối với trường hợp sau kết thúc thời gian tập sự, người tập sự chưa làm thủ tục cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư, gia nhập Đoàn Luật sư hoặc không đạt kỳ kiểm tra kết quả tập sự.
Một số quy định còn hạn chế quyền của người tập sự, người tập sự ít cơ hội cọ xát với nghề và chưa phù hợp với quy định của pháp luật khác (quy định về đại diện theo ủy quyền của pháp luật về dân sự…).
Vì vậy, cần nghiên cứu theo hướng thay chế định “người tập sự hành nghề luật sư” thành “luật sư tập sự”, đồng thời rà soát quy định rõ, mở rộng hơn một số công việc luật sư tập sư được làm khi được khách hàng đồng ý và dưới sự giám sát, chịu trách nhiệm của luật sư hướng dẫn.
– Về kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư:
Theo quy định của Luật Luật sư (Điều 15, 65) thì kết quả tập sự hành nghề luật sư được đánh giá thông qua kỳ kiểm tra do Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức.
Hiện nay, theo chủ trương của Đảng cần nghiên cứu việc tổ chức kỳ thi quốc gia để cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư.
Do đó, cần rà soát, sửa đổi theo hướng kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư là kỳ thi ở cấp quốc gia và người qua kỳ thi này sẽ được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư.
2. Nghiên cứu bổ sung căn cứ thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư
Về việc cấp và thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư, dự thảo Tờ trình Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 nêu như sau:
– Việc cấp chứng chỉ hành nghề luật sư sẽ được nghiên cứu, sửa đổi gắn với kỳ thi quốc gia để thực hiện theo đúng sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng.
Theo đó cũng cần nghiên cứu, giảm bớt khâu trung gian tiếp nhận thủ tục hành chính về thủ tục đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật luật sư, tránh tình trạng hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ gửi Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư, sau đó chuyển Sở Tư pháp, Bộ Tư pháp (Điều 17). Điều này gây khó khăn cho người đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư.
– Về thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư (Điều 18) quy định hiện nay chưa chặt chẽ, cơ quan quản lý nhà nước không có căn cứ thu hồi hoặc đình chỉ hiệu lực của Chứng chỉ trong một số trường hợp (luật sư bị khởi tố, trong quá trình bị điều tra…). Do đó, cần nghiên cứu, bổ sung căn cứ thu hồi Chứng chỉ sát với thực tiễn.
3. Nghiên cứu bổ sung tiêu chuẩn luật sư
– Từ thực trạng tổ chức và hoạt động của luật sư và kết quả tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác tư pháp thời gian qua, Đảng đã chỉ đạo, nghiên cứu, rà soát nâng cao tiêu chuẩn chính trị, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn, nghiệp vụ của luật sư. Do đó, cần rà roát, nghiên cứu bổ sung tiêu chuẩn luật sư quy định tại Điều 10 của Luật Luật sư.
– Tiêu chuẩn luật sư phải có phẩm chất đạo đức tốt, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật còn chưa rõ ràng dẫn đến cách hiểu khác nhau hoặc gây khó khăn trong quá trình xem xét tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề luật sư theo quy định của Luật Luật sư.
Trên đây là kiến thức mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 0969.361.319 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.
Trân trọng!