Chính sách mới có hiệu lực ngày 09/02/2023 liên quan đến nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2023 và thay đổi về nguyên tắc mua, bán nợ của tổ chức tín dụng.
Nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2023
Theo Thông tư 78/2022/TT-BTC, các Bộ, cơ quan Trung ương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ tiết kiệm 10% chi thường xuyên tăng thêm năm 2023 dành cho cải cách tiền lương.
Nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2023 của các địa phương bao gồm:
– 70% tăng thu ngân sách địa phương của năm 2022 so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao;
– Nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2022 còn dư chuyển sang;
– 10% tiết kiệm chi thường xuyên dự toán năm 2023 đã được cấp có thẩm quyền giao;
– Sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2023. Riêng số thu từ việc cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh, y tế dự phòng… của cơ sở y tế công lập sử dụng tối thiểu là 35%.
– Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; cơ quan tự chủ tài chính; đơn vị được giao khoán kinh phí và tự bảo đảm tiền lương: Được quyết định tỷ lệ nguồn thu trích lập để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương, đồng thời tự bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương.
Thay đổi về nguyên tắc mua, bán nợ của tổ chức tín dụng
Thông tư 18/2022/TT-NHNN đã thay đổi một số nội dung về nguyên tắc mua, bán nợ của tổ chức tín dụng tại Thông tư 09/2015/TT-NHNN. Cụ thể:
– Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xem xét chấp thuận hoạt động mua nợ phải có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bán nợ thì không phải xin phép Ngân hàng Nhà nước.
– Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được mua nợ khi được chấp thuận hoạt động mua nợ tại Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng, Giấy phép thành lập của chi nhánh ngân hàng nước ngoài và có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%…
Trên đây là kiến thức mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 0969.361.319 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.
Trân trọng!