Khi nghi ngờ người khác ăn trộm đồ của mình, trong lúc nóng giận nhiều trường người sẽ tự ý lục soát người. Tuy nhiên câu hỏi được đặt ra ở đây là “Nghi ngờ người khác ăn trộm có được lục soát người không?” Hành vi đó có vi phạm pháp luật không? Bài viết dưới đây Mys Law sẽ giải đáp thắc mắc này cho quý độc giả.
Căn cứ pháp lí:
Bộ luật Tố tụng hình sự 2015
Có được lục soát người khi nghi ngờ người khác ăn trộm không?
Điều 192 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về căn cứ khám xét người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện, tài liệu, đồ vật, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử như sau:
Việc khám xét người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.
Việc khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện cũng được tiến hành khi cần phát hiện người đang bị truy nã, truy tìm và giải cứu nạn nhân.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì việc khám xét người chỉ được tiến hành khi có căn cứ nhận định rằng trong người họ có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến hành vi phạm tội.
Đồng thời, theo quy định tại Điều 193 và Điều 113 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, việc khám xét được thực hiện khi có lệnh khám xét của Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân… và mọi trường hợp khám xét đều phải được lập biên bản.
Căn cứ theo các quy định trên, việc khám xét, lục soát người bị nghi ngờ có hành vi trộm cắp tài sản phải có căn cứ xác định trong người này có công cụ, phương tiện phạm tội. Đồng thời, việc khám xét sẽ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện.
Vì vậy, khi nghi ngờ ăn trộm mà không có căn cứ để xác định trong người họ có phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, tài liệu có liên quan đến vụ án thì không được tự ý khám xét, lục soát.
Nghi ngờ người khác ăn trộm cần làm gì?
Như đã trình bày ở phần trước, khi phát hiện một người có dấu hiệu thực hiện hành vi trộm cắp nhưng chưa có căn cứ rõ ràng về việc trong người họ có phương tiện trộm cắp thì không được tự ý lục soát.
Khi đó, người dân có quyền tố giác hành vi của người đó đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền (cơ quan công an) tiến hành xác minh, xử lý hành vi kịp thời và đúng pháp luật theo một trong các cách sau:
– Bằng miệng (trực tiếp đến trình báo hoặc tố giác, báo tin qua điện thoại tới cơ quan có thẩm quyền);
– Bằng văn bản (gửi trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính (bưu điện) tới cơ quan có thẩm quyền).
Khi tố giác, cá nhân, cơ quan, tổ chức tố giác cần cung cấp đầy đủ các thông tin, tài liệu và trình bày rõ những hiểu biết của mình liên quan đến tội phạm mà mình tố giác, báo tin. Cơ quan có thẩm quyền khi tiếp nhận đơn trình báo sẽ có trách nhiệm xác minh lại sự việc và xử lý đúng pháp luật khi có dấu hiệu phạm tội theo quy định pháp luật.
Trên đây là kiến thức mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 0969.361.319 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.
Trân trọng