Việc chia tài sản thừa kế là tài sản của công ty đang là chủ đề được nhiều người quan tâm nhất với sự phát triển kinh tế với nhiều loại hình doanh nghiệp. Trong những trường hợp thừa kế là tài sản do chủ sở hữu công ty TNHH 1 thành viên đã được ghi rõ trong di chúc phân chia tài sản của chủ sở hữu công ty để lại thì không có gì đáng nói nhưng trong một số trường hợp xấu không thể lường trước như đột tử, tai nạn giao thông… những trường hợp như vậy sẽ xảy ra tranh chấp rơi vào tình huống người mất mà không để lại di chúc. Bài viết dưới đây của Mys Law sẽ đưa ra các trường hợp khi chủ sở hữu công ty TNHH MTV mất ai sẽ là người được di sản thừa kế?
Cơ sở pháp lý:
– Luật Doanh nghiệp 2020 số 59/2020/QH14;
– Bộ luật Dân sự 2015.
1. Trường hợp thừa kế theo di chúc:
Chủ sở hữu công ty được quy định tại khoản 3 Điều 78 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:
Điều 78. Thực hiện quyền của chủ sở hữu công ty trong một số trường hợp đặc biệt
… 2. Trường hợp chủ sở hữu công ty là cá nhân bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc thì ủy quyền cho người khác thực hiện một số hoặc tất cả quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty. 3. Trường hợp chủ sở hữu công ty là cá nhân chết thì người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật là chủ sở hữu công ty hoặc thành viên công ty. Công ty phải tổ chức quản lý theo loại hình doanh nghiệp tương ứng và đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết thúc việc giải quyết thừa kế. Trường hợp chủ sở hữu công ty là cá nhân chết mà không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì phần vốn góp của chủ sở hữu được giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự. … |
Theo đó, trường hợp chủ sở hữu công ty TNHH MTV là cá nhân chết thì người thừa kế theo di chúc là chủ sở hữu công ty.
2. Trường hợp thừa kế theo pháp luật:
Chủ sở hữu mất không để lại di chúc. Nếu như vậy thì di sản thừa kế sẽ được chia theo quy định của pháp luật.
Khi phân chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật thì phải xác định người thừa kế theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự.
Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây: a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại. 2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. 3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản. |
Những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất sẽ được hưởng di sản của chủ sở hữu. Khi không có người thuộc hàng thừa kế thứ nhất thì những người thừa kế thuộc hàng thứ hai được hưởng di sản. Nếu không có hàng thừa kế thứ hai thì hàng thừa kế thứ ba được hưởng di sản… Người cùng hàng thừa kế sẽ được hưởng phần di sản như nhau.
Điều 658. Thứ tự ưu tiên thanh toán
Các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán theo thứ tự sau đây: 1. Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng. 2. Tiền cấp dưỡng còn thiếu. 3. Chi phí cho việc bảo quản di sản. 4. Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ. 5. Tiền công lao động. 6. Tiền bồi thường thiệt hại. 7. Thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước. 8. Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân. 9. Tiền phạt. 10. Các chi phí khác. |
Sau khi đã thực hiện việc phân chia di sản thừa kế thì người hưởng thừa kế sẽ tiếp quản doanh nghiệp của chủ sở hữu. Sau khi hoàn thành xong thủ tục khai nhận và phân chia di sản thừa kế và làm thủ tục thay đổi chủ sở hữu doanh nghiệp tại phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp có trụ sở chính, thì công ty có thể tiếp tục duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Nếu sau khi phân chia di sản thừa kế, công ty có nhiều người thừa kế thì công ty sẽ phải chuyển đổi hình thức từ công ty TNHH một thành viên thành công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc chuyển đổi thành hình thức công ty cổ phần (nếu công ty có từ ba chủ sở hữu trở lên). Trong trường hợp muốn giải thể công ty, thì các chủ sở hữu mới sau khi được ghi nhận trong đăng ký kinh doanh có quyền quyết định. Việc giải thể doanh nghiệp được thực hiện theo quy định tại, b và c khoản 1 Điều 207, Điều 208 Luật Doanh nghiệp 2020.
3. Trường hợp không có người thừa kế:
Trường hợp không có người thừa kế là khi họ không để lại di chúc và cũng không có người thừa kế theo pháp luật (do bị truất quyền hoặc từ chối nhận di sản thừa kế). Tài sản của chủ doanh nghiệp sẽ xử lý theo quy định tại Điều 622 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
Trường hợp không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước. |
Như vậy, khi chủ sở hữu doanh nghiệp mất mà không có người thừa kế hoặc người thừa kế bị truất quyền thừa kế, từ chối nhận thừa kế thì tài sản của doanh nghiệp sẽ thuộc về nhà nước.
Trên đây là thông tin mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 1900866637 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.
Trân trọng!