Thời gian gần đây không ít những trường hợp lợi dụng các tính năng của mạng xã hội, lợi dụng các phương thức kiếm tiền trên mạng xã hội mà đưa ra những thông tin nhảm nhí, dung tục, xuyên tạc, bịa đặt, vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của người khác, gây bức xúc trong dư luận. Vậy hành vi này có bị pháp luật xử lý không? Mức phạt với Tội làm nhục người khác trên mạng xã hội như thế nào? Thông qua bài viết dưới đây, Mys Law sẽ cung cấp thông tin về vấn đề này.
Căn cứ pháp lí:
- Nghị định 15/2020/NĐ-CP
- Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017
Gần đây, Nờ Ô Nô được cư dân mạng chú ý vì đoạn clip “Người nghèo ăn gì – Nờ Ô Nô cho ăn đó”. Tuy nhiên nội dung clip cho thấy có sự cợt nhả, bình luận mang tính miệt thị người khác.
Cụ thể, khi gặp một cụ bà đang ngồi một mình ở bến xe buýt, Tiktoker Nờ Ô Nô đã tiến lại gần rồi có cách chào hỏi miệt thị: “Hello (xin chào) bà già nghèo khổ giữa trời đông cô đơn”. Sau đó, Nờ Ô Nô lại tiếp tục gây bức xúc khi nhận xét cụ bà là “nghèo mà còn chê đồ ăn, vậy thôi khỏi ăn, giờ hỏi lại có ăn hay không, phở rẻ vậy mà không có tiền mua ăn nữa…”.
Trước khi kết thúc clip, nam Tiktoker này còn chúc bà lão, nhưng lại khiến nhiều người tranh cãi vì lời nói có phần khó nghe: “Đó coi đi, số khổ nó khổ vậy đó, người ta nghèo thì chọn ăn món gì như bào ngư vi cá đồ đó chứ sao chọn ăn phở. Thôi chúc bà vượt qua mùa đông cô đơn lạnh giá, bớt nghèo lại đi nha chứ nghèo hoài không ai giúp mãi được đâu”.
Ngay khi đoạn video được đăng tải, nam Tiktoker này đã nhận phải vô số phản ứng từ cộng động mạng.
Truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác
Làm nhục người khác trên mạng xã hội là hành vi xâm phạm đến quyền bảo vệ danh dự, nhân phẩm của con người. Vì vậy, việc làm nhục người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử lý hành chính.
Việc làm nhục người khác trên mạng xã hội được thể hiện qua nhiều hình thức. Chúng có thể là những lời bình luận mang tính chất sỉ nhục, lăng mạ, chửi rủa hoặc những thông tin sai lệch, mang tính chất bêu xấu… được đăng tải trên mạng xã hội. Những hành vi này được thực hiện nhằm mục đích hạ thấp danh dự, nhân phẩm của người bị xúc phạm và khiến họ cảm thấy nhục nhã.
Để bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác thì hành vi vi phạm phải xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác.
Theo quy định tại Điều 155 BLHS 2015 quy định:
Điều 155. Tội làm nhục người khác
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người đang thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm
Phạt hành chính với hành vi làm nhục người khác trên mạng xã hội
Tùy thuộc vào tính chất của hành vi vi phạm, nếu chưa đến mức chịu trách nhiệm hình sự thì người thực hiện hành vi làm nhục người khác trên mạng xã hội có thể bị phạt hành chính.
Trong đó, tại điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Lưu ý: Mức phạt này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức (Căn cứ Điều 4 Nghị định 15).
Trong vụ việc trên, với những gì diễn ra công khai trên không gian mạng thì cơ quan chức năng cũng sẽ vào cuộc và có thể căn cứ vào quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông tần số vô tuyến điện để xử phạt người này với số tiền có thể tới 20.000.000 đồng theo quy định tại Điều 101 nghị định này.
Trên đây là kiến thức mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 0969.361.319 hoặc email: [email protected]
Trân trọng!