Vay tiền online qua app đang phổ biến trong xã hội hiện nay. Tuy nhiên, những rủi ro khó lường từ nền tảng này khá cao vì tốc độ giải ngân quá nhanh mà cách thức và thủ tục vay lại đơn giản. Chính vì sự dễ dàng này có thể khiến người vay gánh mức lãi suất khổng lồ, sa bẫy tín dụng đen lừa đảo, dẫn đến lâm vào tình trạng “vỡ nợ”. Hãy cùng Mys Law tìm hiểu về app vay tiền online có hành vi cho vay nặng lãi sẽ bị xử phạt như thế nào thông qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

– Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP;

– Bộ luật Dân sự 2015;

– Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.

1. Lỡ vay tiền online với lãi suất khủng thì người vay cần làm gì khi không có khả năng chi trả?

Căn cứ Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về lãi suất cho vay như sau:

Điều 468. Lãi suất

1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.

Theo quy định trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.

Như vậy, trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2. App vay tiền online có hành vi cho vay nặng lãi sẽ bị xử phạt như thế nào?

Căn cứ Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bởi điểm i khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự như sau:

Điều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Theo đó, người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015, thu lợi bất chính 30 triệu đồng trở lên hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự hoặc đã bị kết án về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự mà còn vi phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Mức phạt đối với hành vi này là bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trường hợp nhiều người lỡ vay tiền online trên app mà đã đóng tiền lãi và gốc theo yêu cầu hoặc đang bị đe dọa thì cần trình báo cho cơ quan công an để được giúp đỡ.

Lưu ý tội này chỉ áp dụng cho cá nhân còn pháp nhân thương mại thì không, cụ thể tại Điều 76 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 11 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 như sau:

Pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm quy định tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245, 246, 300 và 324 của Bộ luật này.

3. Cơ quan công an sẽ xác định số tiền thu lợi bất chính của người cho vay nặng lãi như thế nào?

Căn cứ Điều 6 Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP hướng dẫn về việc xác định số tiền thu lợi bất chính để xử lý trách nhiệm hình sự như sau:

Điều 6. Xác định số tiền thu lợi bất chính để xử lý trách nhiệm hình sự

1. Trường hợp cho vay lãi nặng đã hết thời hạn vay theo thỏa thuận thì số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự bao gồm tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay phải trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự trong cả kỳ hạn vay.

2. Trường hợp cho vay lãi nặng chưa hết thời hạn vay theo thỏa thuận mà bị phát hiện thì số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự bao gồm tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay phải trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự tính đến thời điểm cơ quan có thẩm quyền phát hiện và ngăn chặn.

Trường hợp bên vay đã trả tiền lãi trước hạn và các khoản thu trái pháp luật khác thì số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự bao gồm tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay thực tế đã trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Theo đó số tiền thu lợi bất chính sẽ được xác định là số liền lãi quá mức quy định mà người vay đã trả cho phía cho vay và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay phải trả.

Khi đã xác định nguồn thu lợi bất chính thì cơ quan công an sẽ áp dụng các quy định xử phạt theo quy định của bộ luật hình sự về tội cho vay nặng lãi.

Trên đây là thông tin mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 1900866637 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.

Trân trọng!