Vì hoàn cảnh quá khó khăn, nhiều người có ý định bán nội tạng của chính mình để lấy tiền. Tuy nhiên họ lo lắng liệu hành vi đó có vi phạm pháp luật hay không. Pháp luật quy định như thế nào về hành vi này? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây của Mys Law để được giải đáp.

Căn cứ pháp lí:

– Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác 2006

– Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 

Buôn bán nội tạng của chính mình vì mục đích thương mại có vi phạm pháp luật hay không?

Căn cứ Điều 4 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác 2006 quy định:

Các nguyên tắc trong việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác

1. Tự nguyện đối với người hiến, người được ghép.

2. Vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học.

3. Không nhằm mục đích thương mại.

4. Giữ bí mật về các thông tin có liên quan đến người hiến, người được ghép, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Căn cứ Điều 11 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác 2006 quy định:

Các hành vi bị nghiêm cấm

3. Mua, bán mô, bộ phận cơ thể người; mua, bán xác.

Theo đó, pháp luật cấm hành vi mua, bán mô, bộ phận cơ thể người; mua, bán xác. Vì vậy cá nhân có hành vi buôn bán bất kì bộ phận nào trên cơ thể kể cả buôn bán nội tạng của chính mình vì mục đích thương mại đều vi phạm pháp luật.

Hành vi buôn bán nội tạng vì mục đích thương mại sẽ chịu trách nhiệm hình sự như thế nào?

Căn cứ Điều 154 Bộ luật Hình sự 2015 quy định:

Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người

1. Người nào mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người khác, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Vì mục đích thương mại;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp;

d) Đối với từ 02 người đến 05 người;

đ) Phạm tội 02 lần trở lên;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Đối với 06 người trở lên;

d) Gây chết người;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Người có hành vi buôn bán nội tạng vì mục đích thương mại sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt cao nhất là tù chung thân.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Chính sách của Nhà nước về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác?

Căn cứ Điều 10 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác 2006, Chính sách của Nhà nước về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác bao gồm:

– Đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư cho cơ sở y tế thực hiện việc nghiên cứu, lấy, ghép, bảo quản, lưu giữ mô, bộ phận cơ thể người.

– Hỗ trợ việc nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học – công nghệ tiên tiến, đào tạo, trao đổi chuyên gia, chuyển giao kỹ thuật trong việc lấy, ghép, bảo quản, lưu giữ mô, bộ phận cơ thể người.

– Khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư, hợp tác trong việc nghiên cứu, lấy, ghép, bảo quản, lưu giữ mô, bộ phận cơ thể người.

– Hỗ trợ việc thông tin, tuyên truyền về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác.

– Hỗ trợ nguồn lực phục vụ việc nghiên cứu, nuôi cấy và ghép mô, bộ phận cơ thể người nhân tạo.

– Chăm sóc sức khoẻ cho người đã tự nguyện hiến mô, bộ phận cơ thể người theo quy định của pháp luật.

– Tôn vinh người tự nguyện hiến bộ phận cơ thể người và người tự nguyện hiến xác.

Trên đây là thông tin mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 0969.361.319 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.

Trân trọng!