Sau khi ly hôn, vợ chồng không tiếp tục sống chung với nhau dẫn đến việc con chung sẽ chỉ được ở với bố hoặc mẹ. Vậy người không trực tiếp nuôi con có quyền thăm nom, chăm sóc con chung không? Nếu bị cản trở, không được thăm nom, chăm sóc con chung thì cần làm gì? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây của MYS LAW để được giải đáp thắc mắc.

I. Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ về thăm nom, chăm sóc con chung sau ly hôn.

Khoản 2, Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

“ Điều 69. Nghĩa vụ và quyền của cha mẹ

  1. ..
  2. Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.”

Như vậy, cha mẹ có quyền và nghĩa vụ phải nuôi dưỡng, chăm sóc và bảo vệ quyền lợi cho con của mình đến khi con thành niên và có đủ khả năng lao động tự nuôi sống bản thân, trường hợp cha mẹ ly hôn thì việc thực hiện quyền này được quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014, cụ thể:

“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

  1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
  2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
  3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Khi ly hôn, cha mẹ không chung sống cùng nhau nữa, do đó một người bố hoặc mẹ không được trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con được pháp luật quy định tại Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cụ thể như sau:

“Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

  1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
  2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
  3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.”

Quyền và nghĩa vụ của người trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con được quy định tại Điều 83 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:

“Điều 83. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

  1. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.
  2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.”

Căn cứ các điều luật trên, thấy rằng quyền và nghĩa vụ thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con đối với người không trực tiếp nuôi con được pháp luật bảo vệ, không ai có quyền cản trở việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của cha mẹ trực tiếp nuôi con.

II. Trường hợp người không trực tiếp nuôi con bị cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ phải làm thế nào?

Trên thực tế, tuy trong Quyết định công nhận thuận tình ly hôn hoặc Bản án của Tòa án đã tuyên về quyền và nghĩa vụ thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chung của người không trực tiếp nuôi con nhưng nhiều trường hợp người trực tiếp nuôi con lại gây khó khăn, không cho người còn lại thực hiện quyền này; vậy làm sao để người không trực tiếp nuôi con có thể thực hiện quyền của mình?

Theo quy định hiện hành, không ai có quyền cản trở quyền thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chung; bất kỳ người nào có hành vi cản trở quyền thăm con của người không trực tiếp nuôi con có thể bị xử lý theo thủ tục hành chính.

Điều 56 nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình quy định:

“Điều 56. Hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau.”

Để người trực tiếp nuôi con tạo điều kiện cho thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chung; người không trực tiếp nuôi con có thể làm đơn yêu cầu đến Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền, yêu cầu thi hành Quyết định, bản án của Tòa án đã có hiệu lực. Hồ sơ yêu cầu thi hành án gồm:

– Giấy tờ cá nhân của người được thi hành án (Bản sao);

– Đơn yêu cầu thi hành án;

– Bản án, Quyết định của Tòa án có liên quan (Bản sao);

– Các tài liệu khác có liên quan;

III. Xét thấy người trực tiếp nuôi con không thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ, ảnh hưởng đến sự phát triển của con, người không trực tiếp nuôi con có thể làm gì?

Trường hợp xét thấy việc nuôi dưỡng con chung của người trực tiếp nuôi con không đảm bảo, con chung không được thương yêu, không được cho học tập để phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức. Người không trực tiếp nuôi con có quyền khởi kiện ra Tòa án nơi người đang trực tiếp nuôi con cư trú yêu cầu thay đổi quyền trực tiếp nuôi con. Hồ sơ khởi kiện gồm:

– Đơn khởi kiện

– Giấy tờ tùy thân của người khởi kiện và người bị kiện (bản sao)

– Các tài liệu chứng minh việc bị đơn không thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của người trực tiếp nuôi dưỡng con chung.

– Các tài liệu, giấy tờ khác (nếu có).

Trên đây là thông tin mà MYS LAW cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 1900866637 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.

Trân trọng!