Theo quy định của pháp luật hiện nay thì cá nhân, doanh nghiệp được tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Trước khi kinh doanh thì cá nhân, doanh nghiệp phải thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền về ngành nghề kinh doanh của mình. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp kinh doanh đều phải đăng ký kinh doanh. Vậy khi cá nhân kinh doanh không thuộc diện đăng ký kinh doanh thì khi tạm ngừng hoạt động kinh doanh có phải thông báo cho cơ quan thuế không? Hãy cùng Mys Law tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

Nghị định 126/2020/NĐ-CP;

Luật Quản lý thuế 2019.

1. Cá nhân kinh doanh không thuộc diện đăng ký kinh doanh thì khi tạm ngừng hoạt động, kinh doanh có phải thông báo với cơ quan thuế không?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Luật Quản lý thuế 2019 quy định nội dung về việc thông báo tạm ngừng hoạt động, kinh doanh như sau:

Điều 37. Thông báo khi tạm ngừng hoạt động, kinh doanh

1. Tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thuộc diện đăng ký kinh doanh tạm ngừng hoạt động, kinh doanh có thời hạn hoặc tiếp tục hoạt động, kinh doanh trước thời hạn đã thông báo theo quy định của Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan thì cơ quan thuế căn cứ vào thông báo của người nộp thuế hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện quản lý thuế trong thời gian người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh hoặc tiếp tục hoạt động, kinh doanh trước thời hạn theo quy định của Luật này.

2. Tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thuộc diện đăng ký kinh doanh thì thực hiện thông báo đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất là 01 ngày làm việc trước khi tạm ngừng hoạt động, kinh doanh hoặc tiếp tục hoạt động, kinh doanh trước thời hạn đã thông báo để thực hiện quản lý thuế.

Theo đó, cá nhân kinh doanh không thuộc diện đăng ký kinh doanh khi tạm ngừng hoạt động, kinh doanh thì thực hiện thông báo đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất là 01 ngày làm việc trước khi tạm ngừng hoạt động, kinh doanh để thực hiện quản lý thuế.

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 126/2020/NĐ-CP thì đối với trường hợp cá nhân kinh doanh tiếp tục hoạt động, kinh doanh trở lại đúng thời hạn đã đăng ký thì không phải thông báo với cơ quan thuế nơi đã đăng ký tạm ngừng hoạt động, kinh doanh theo quy định.

2. Căn cứ xác định thời gian cá nhân kinh doanh tạm ngừng hoạt động, kinh doanh được quy định như thế nào?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 126/2020/NĐ-CP về nội dung này như sau:

Điều 4. Quản lý thuế đối với người nộp thuế trong thời gian tạm ngừng hoạt động, kinh doanh

Người nộp thuế thực hiện thông báo khi tạm ngừng hoạt động, kinh doanh theo quy định tại Điều 37 Luật Quản lý thuế và các quy định sau:

1. Căn cứ xác định thời gian người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh:

a) Đối với người nộp thuế đăng ký thuế cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh theo quy định tại khoản 1 Điều 37 Luật Quản lý thuế là thời gian tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã được cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan đăng ký hợp tác xã ghi nhận trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã. Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan đăng ký hợp tác xã gửi thông tin đăng ký tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã cho cơ quan thuế bằng phương thức điện tử qua hệ thống trao đổi thông tin về đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế trong thời hạn 01 ngày làm việc hoặc chậm nhất là ngày làm việc tiếp theo kể từ ngày cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan đăng ký hợp tác xã ghi nhận trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã.

b) Đối với người nộp thuế được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận, thông báo hoặc yêu cầu tạm ngừng hoạt động, kinh doanh theo quy định tại khoản 1 Điều 37 Luật Quản lý thuế là thời gian được ghi trên văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền gửi văn bản cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế chậm nhất trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ban hành văn bản.

c) Đối với người nộp thuế là tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thuộc diện đăng ký kinh doanh theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Luật Quản lý thuế thì thực hiện thông báo tạm ngừng hoạt động, kinh doanh đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất là 01 ngày làm việc trước khi tạm ngừng hoạt động, kinh doanh. Cơ quan thuế có thông báo xác nhận gửi người nộp thuế về thời gian người nộp thuế đăng ký tạm ngừng hoạt động, kinh doanh chậm nhất trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của người nộp thuế. Người nộp thuế được tạm ngừng hoạt động, kinh doanh không quá 1 năm đối với 1 lần đăng ký. Trường hợp người nộp thuế là tổ chức, tổng thời gian tạm ngừng hoạt động, kinh doanh không quá 2 năm đối với 2 lần đăng ký liên tiếp.

Theo đó, cá nhân kinh doanh không thuộc diện đăng ký kinh doanh thì thực hiện thông báo tạm ngừng hoạt động, kinh doanh đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất là 01 ngày làm việc trước khi tạm ngừng hoạt động, kinh doanh.

Cơ quan thuế có thông báo xác nhận gửi người nộp thuế là cá nhân kinh doanh về thời gian đăng ký tạm ngừng hoạt động, kinh doanh chậm nhất trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của người nộp thuế.

Cá nhân kinh doanh được tạm ngừng hoạt động, kinh doanh không quá 1 năm đối với 1 lần đăng ký.

3. Trong thời gian tạm ngừng hoạt động kinh doanh, cá nhân kinh doanh phải tuân thủ quy định nào?

Căn cứ tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 126/2020/NĐ-CP về nội dung này như sau:

– Trong thời gian tạm ngừng hoạt động kinh doanh thì cá nhân kinh doanh không phải nộp hồ sơ khai thuế, trừ trường hợp cá nhân kinh doanh tạm ngừng hoạt động, kinh doanh không trọn tháng, quý, năm dương lịch hoặc năm tài chính thì vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế tháng, quý; hồ sơ quyết toán năm.

– Cá nhân kinh doanh không được sử dụng hóa đơn và không phải nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn. Trường hợp người nộp thuế được cơ quan thuế chấp thuận sử dụng hoá đơn theo quy định của pháp luật về hoá đơn thì phải nộp hồ sơ khai thuế, nộp báo cáo tình hình sử dụng hoá đơn theo quy định.

– Cá nhân kinh doanh phải chấp hành các quyết định, thông báo của cơ quan quản lý thuế về đôn đốc thu nợ, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế và xử lý hành vi vi phạm hành chính về quản lý thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Trên đây là thông tin mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 1900866637 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.

Trân trọng!