Luật Hợp tác xã năm 2023 được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho cá tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX tham gia vào nền kinh tế – xã hội trong nước và hội nhập quốc tế. Đồng thời loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường, xây dựng hệ sinh thái các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, giúp nâng cao thu nhập của các thành viên và góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Hãy cùng Mys Law tìm hiểu các loại thành viên của hợp tác xã từ ngày 01/7/2024 thông qua bài viết dưới đây.
Căn cứ pháp lý:
– Luật Hợp tác xã 2023.
1. Các loại thành viên của hợp tác xã từ ngày 01/7/2024
Cụ thể tại các khoản 16, 17, 18 và 19 Điều 4 Luật Hợp tác xã 2023 quy định về thành viên của hợp tác xã như sau:
– Thành viên bao gồm thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn và thành viên liên kết không góp vốn của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc thành viên của tổ hợp tác.
– Thành viên chính thức bao gồm:
+ Thành viên góp vốn và sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
+ Thành viên góp vốn và góp sức lao động vào hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
+ Thành viên góp vốn, sử dụng sản phẩm, dịch vụ và góp sức lao động vào hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
– Thành viên liên kết góp vốn là thành viên chỉ góp vốn, không sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và không góp sức lao động vào hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
– Thành viên liên kết không góp vốn bao gồm:
+ Thành viên không góp vốn, chỉ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
+ Thành viên không góp vốn, chỉ góp sức lao động vào hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
+ Thành viên không góp vốn, chỉ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và góp sức lao động vào hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
2. Quyền của thành viên hợp tác xã
Căn cứ theo Điều 31 Luật Hợp tác xã 2023 quy định quyền của thành viên hợp tác xã như sau:
– Thành viên chính thức có quyền sau đây:
+ Được hợp tác xã cung ứng sản phẩm, dịch vụ, việc làm;
+ Được phân phối thu nhập theo quy định của Luật Hợp tác xã 2023 và Điều lệ;
+ Được hưởng phúc lợi của hợp tác xã;
+ Được tham dự hoặc bầu đại biểu tham dự Đại hội thành viên;
+ Được biểu quyết nội dung thuộc thẩm quyền của Đại hội thành viên;
+ Ứng cử, đề cử thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc), thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu;
+ Kiến nghị, yêu cầu Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc), Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên giải trình về hoạt động của hợp tác xã;
+ Yêu cầu Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc), Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên triệu tập Đại hội thành viên bất thường;
+ Được cung cấp thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động của hợp tác xã; được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ phục vụ hoạt động của hợp tác xã;
+ Ra khỏi hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã 2023 và Điều lệ;
+ Được trả lại một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp theo quy định của Luật Hợp tác xã 2023 và Điều lệ;
+ Được nhận phần giá trị tài sản còn lại của hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã 2023 và Điều lệ;
+ Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật;
+ Quyền khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ.
– Thành viên liên kết góp vốn có quyền sau đây:
+ Các quyền quy định tại các điểm b, c, g, i, k, l, m, n và o khoản 1 Điều 31 Luật Hợp tác xã 2023;
+ Tham gia và phát biểu nhưng không được biểu quyết tại cuộc họp Đại hội thành viên khi được mời.
– Thành viên liên kết không góp vốn có quyền sau đây:
+ Các quyền quy định tại các điểm a, c, i, k, n và o khoản 1 Điều 31 Luật Hợp tác xã 2023;
+ Tham gia và phát biểu nhưng không được biểu quyết tại cuộc họp Đại hội thành viên khi được mời.
3. Nghĩa vụ của thành viên hợp tác xã
Theo Điều 32 Luật Hợp tác xã 2023 quy định nghĩa vụ của thành viên hợp tác xã như sau:
– Thành viên chính thức có nghĩa vụ sau đây:
+ Góp đủ, đúng thời hạn phần vốn góp đã cam kết theo quy định của Điều lệ;
+ Sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã đã đăng ký hoặc góp sức lao động theo thỏa thuận với hợp tác xã;
+ Chịu trách nhiệm về các khoản nợ, nghĩa vụ tài chính của hợp tác xã trong phạm vi phần vốn góp vào hợp tác xã;
+ Bồi thường thiệt hại do mình gây ra cho hợp tác xã theo quy định của pháp luật và Điều lệ;
+ Tuân thủ tôn chỉ, mục đích, Điều lệ, quy chế của hợp tác xã, nghị quyết Đại hội thành viên và quyết định của Hội đồng quản trị đối với tổ chức quản trị đầy đủ hoặc Giám đốc đối với tổ chức quản trị rút gọn;
+ Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ.
– Thành viên liên kết góp vốn có nghĩa vụ quy định tại các điểm a, c, d, đ và e khoản 1 Điều 32 Luật Hợp tác xã 2023.
– Thành viên liên kết không góp vốn có nghĩa vụ sau đây:
+ Nộp phí thành viên theo quy định của Điều lệ. Phí thành viên không phải là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Phí và lệ phí.
+ Nghĩa vụ quy định tại các điểm b, d, đ và e khoản 1 Điều 32 Luật Hợp tác xã 2023.
4. Chấm dứt tư cách thành viên hợp tác xã
Việc chấm dứt tư các thành viên hợp tác xã được quy định tại Điều 33 Luật Hợp tác xã 2023 như sau:
– Các trường hợp chấm dứt tư cách thành viên chính thức:
+ Thành viên là cá nhân đã chết; bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
+ Thành viên là tổ chức chấm dứt tồn tại, giải thể, phá sản;
+ Hợp tác xã chấm dứt tồn tại, giải thể, phá sản;
+ Thành viên tự nguyện ra khỏi hợp tác xã;
+ Thành viên bị khai trừ theo quy định của Điều lệ;
+ Thành viên không sử dụng sản phẩm, dịch vụ hoặc không góp sức lao động trong thời gian liên tục theo quy định của Điều lệ;
+ Tại thời điểm cam kết góp đủ vốn, thành viên không thực hiện góp vốn hoặc góp vốn thấp hơn vốn góp tối thiểu quy định trong Điều lệ.
– Các trường hợp chấm dứt tư cách thành viên liên kết góp vốn theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và g khoản 1 Điều 33 Luật Hợp tác xã 2023.
– Các trường hợp chấm dứt tư cách thành viên liên kết không góp vốn:
+ Các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 1 Điều 33 Luật Hợp tác xã 2023;
+ Không nộp phí thành viên theo quy định của Điều lệ.
– Thẩm quyền quyết định chấm dứt tư cách thành viên, giải quyết quyền, nghĩa vụ đối với thành viên trong trường hợp chấm dứt tư cách thành viên thực hiện theo quy định của Luật Hợp tác xã 2023 và Điều lệ.
Luật Hợp tác xã năm 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.
Trên đây là thông tin mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 1900866637 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.
Trân trọng!