Cha mẹ có phải là người giám hộ đương nhiên của con không? Pháp luật quy định như thế nào về trường hợp này. Hãy theo dõi bài viết dưới đây của Mys Law để biết thêm thông tin chi tiết.
1. Đối tượng nào phải có người giám hộ?
Để xem xét cha mẹ có phải là người giám hộ đương nhiên của con không trước hết cần xem xét điều kiện để con được giám hộ là gì. Theo đó, việc giám hộ được thực hiện khi một cá nhân thực hiện chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Cụ thể:
– Người chưa thành niên: Là người có độ tuổi chưa đủ 18 tuổi theo khoản 1 Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015.
– Người mất năng lực hành vi dân sự: Bị tâm thần/bệnh khác khiến không thể nhận thức, làm chủ hành vi, có yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc tổ chức, cơ quan hữu quan và căn cứ vào kết luận giám định pháp y tâm thần, Toà án đã ra quyết định tuyên bố người này mất năng lực hành vi dân sự.
– Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi: Bao gồm đầy đủ các điều kiện sau đây:
+ Đã thành niên nhưng không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi do thể trạng hoặc tinh thần không đủ nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự;
+ Đã được người có quyền, lợi ích liên quan yêu cầu;
+ Dựa vào kết luận giám định pháp y tâm thần, Toà án ra quyết định tuyên bố người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ.
Do đó, có 03 đối tượng sẽ phải có người giám hộ theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành.
2. Cha mẹ có phải người giám hộ đương nhiên của con không?
Cha mẹ không phải người giám hộ đương nhiên cho con bởi hai lý do sau đây:
Thứ nhất, đối tượng chưa thành niên được giám hộ khi:
– Không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha mẹ.
– Có cha, mẹ nhưng cha mẹ đều mất/hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc đều bị Toà án tuyên bố hạn chế quyền với con hoặc đều không có đủ điều kiện để giáo dục, chăm sóc con và yêu cầu người giám hộ.
Trong trường hợp này, người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên là anh cả/chị cả là anh chị ruột; nếu không đủ điều kiện thì người anh/chị ruột tiếp theo làm người giám hộ; nếu không có thì ông bà nội, ông bà ngoại; nếu vẫn không xác định được thì sẽ là bác chú cô dì ruột…
Thứ hai, khi con chưa thành niên còn đầy đủ bố mẹ không thuộc trường hợp nguyên nhân trên thì cha mẹ là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên.
Như vậy, cha mẹ sẽ là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên. Còn việc giám hộ người chưa thành niên chỉ đặt ra với trường hợp con không còn hoặc không xác định được cha mẹ hoặc cha mẹ không đủ điều kiện làm người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên.
3. Điều kiện trở thành người giám hộ là gì?
Để trở thành người giám hộ thì cá nhân phải đáp ứng điều kiện nêu tại Điều 49 Bộ luật Dân sự gồm:
– Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.
– Có tư cách đạo đức tốt cùng với các điều kiện cần thiết khác để đảm bảo được việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
– Không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc kết án mà chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý: Xâm phạm sức khoẻ, tính mạng, nhân phẩm, danh dự, tài sản của người khác.
– Không bị tuyên bố hạn chế quyền với con chưa thành niên của Toà án.
Đặc biệt, với trường hợp người giám hộ được người ở tình trạng cần được giám hộ lựa chọn từ khi họ có đầy đủ năng lực hành vi dân sự thì người đựa lựa chọn làm người giám hộ phải đồng ý. Văn bản lựa chọn người giám hộ phải được công chứng hoặc chứng thực.
Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 1900866637 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.
Trân trọng!