Mang thai và sinh một lúc hai con đồng nghĩa với việc sự vất vả cũng tăng lên gấp đôi. Do đó, chế độ thai sản khi sinh đôi cũng được ưu tiên thêm nhiều quyền lợi hơn so với trường hợp chỉ sinh một con. Cụ thể chính sách này như thế nào cùng theo dõi qua bài viết dưới đây.
Căn cứ pháp lí:
- Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014
1. Tăng gấp đôi tiền trợ cấp một lần khi sinh con
Căn cứ Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, lao động nữ sinh con được hưởng trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con.
Do đó, nếu sinh đôi thì mức trợ cấp một lần cũng sẽ tăng gấp đôi, tức người lao động được hưởng 04 lần mức lương cơ sở. Tương tự, với trường hợp sinh ba thì mức trợ cấp thai sản là 06 lần mức lương cơ sở…
Với mức lương cơ sở tính đến 30/6/2023 là 1,49 triệu đồng/tháng; từ ngày 01/7/2023 là 1,8 triệu đồng/tháng thì mức trợ cấp thai sản một lần khi sinh đôi tạm tình như sau:
– Đến hết ngày 30/6/2023: Trợ cấp 1 lần = 1,49 triệu đồng x 4 = 5,96 triệu đồng.
– Từ 01/7/2023: Trợ cấp 1 lần = 1,8 triệu đồng x 4 = 7,2 triệu đồng.
Tiền trợ cấp 1 lần được chi trả cho người mẹ đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản. Nếu người mẹ không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản, tiền trợ cấp 1 lần sẽ được thanh toán cho người cha đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà có vợ sinh con.
2. Vợ được nghỉ thai sản thêm 01 tháng, nhận nhiều tiền hơn
Theo Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội, lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Tuy nhiên, trong trường hợp người lao động sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, với mỗi con sinh thêm, lao động nữ sẽ được nghỉ thêm 01 tháng.
Như vậy, khi sinh đôi lao động nữ sẽ được nghỉ 07 tháng thai sản, nếu sinh ba thì được nghỉ 08 tháng thai sản…
Tương ứng với thời gian nghỉ dài hơn, số tiền trợ cấp chi trả cho quá trình nghỉ thai sản của người lao động cũng nhiều hơn. Tiền chế độ thai sản trong thời gian 07 tháng nghỉ thai sản do sinh đôi được tính theo Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội như sau:
Mức hưởng | = | 100% | x | Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH 6 tháng trước khi nghỉ | x | 7 tháng |
3. Vợ sinh đôi, chồng được nghỉ đến 14 ngày
Theo khoản 2 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, nếu như trường hợp vợ sinh một con, người chồng đang đóng BHXH được nghỉ 05 ngày làm việc hoặc 07 ngày nếu vợ sinh mổ, thì trong trường hợp vợ sinh đôi, số ngày nghỉ của người chồng cũng kéo dài hơn.
Cụ thể:
– Nếu vợ sinh đôi thì chồng được nghỉ 10 ngày làm việc;
– Nếu sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc.
– Nếu vợ sinh đôi trở lên mà phải sinh mổ thì chồng được nghỉ 14 ngày làm việc.
Nhờ đó, mà người chồng có thêm thời gian để chăm sóc vợ con trước khi quay trở lại làm việc. Trong những ngày nghỉ này, lao động nam sẽ nhận được số tiền chế độ thai sản như sau:
Mức hưởng | = | Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH 6 tháng trước khi nghỉ | : | 24 | x | Số ngày nghỉ |
4. Lao động nữ được nghỉ chế độ dưỡng sức đến 10 ngày
Theo Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội, lao động nữ ngay sau khi nghỉ hết thời gian hưởng chế độ thai sản mà quay lại làm việc, trong 30 ngày đầu làm việc mà sức khoẻ chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 – 10 ngày.
Nếu như sinh một con chỉ được nghỉ 05 hoặc 07 ngày, lao động nữ sinh đôi sẽ được nghỉ chế độ dưỡng sức tối đa 10 ngày (bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết và ngày nghỉ hằng tuần).
Với mỗi ngày nghỉ, lao động nữ sẽ được thanh toán 30% mức lương cơ sở. Tương ứng với đó, trong 10 ngày nghỉ, lao động nữ sẽ nhận được số tiền sau:
– Đến hết ngày 30/6/2023: Tiền dưỡng sức = 30% x 1,49 triệu đồng x 10 ngày = 4.470.000 đồng.
– Từ 01/7/2023: Tiền dưỡng sức = 30% x 1,8 triệu đồng x 10 ngày = 5,4 triệu đồng.
Trên đây là kiến thức mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 0969.361.319 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.
Trân trọng!