Hôm nay – Thông tư số 4/2023/TT-BNV ngày 03/5/2023 của Bộ Nội vụ bãi bỏ Thông tư số 03/2008/TT-BNV ngày 03/6/2008 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn thực hiện xét nâng ngạch không qua thi đối với cán bộ, công chức, viên chức đã có thông báo nghỉ hưu

Thông tư 04/2023/TT-BNV do Bộ Nội vụ ban hành bãi bỏ toàn bộ Thông tư số 03/2008/TT-BNV ngày 03/6/2008 về việc hướng dẫn thực hiện xét nâng ngạch không qua thi đối với cán bộ, công chức, viên chức đã có thông báo nghỉ hưu.

Chính sách mới có hiệu lực 25/6/2023 (Ảnh minh họa)

Hiện nay Luật Cán bộ, công chức quy định, việc nâng ngạch công chức phải căn cứ vào vị trí việc làm, phù hợp với cơ cấu ngạch công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị và được thực hiện thông qua thi nâng ngạch hoặc xét nâng ngạch.

Tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi nâng ngạch, xét nâng ngạch công chức như sau:

– Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi nâng ngạch; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật;

– Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với ngạch công chức cao hơn ngạch công chức hiện giữ trong cùng ngành chuyên môn;

– Đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ của ngạch công chức đăng ký dự thi;

– Đáp ứng yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu đối với từng ngạch công chức.

Công chức đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện trên được xét nâng ngạch công chức trong các trường hợp sau đây:

– Có thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ trong thời gian giữ ngạch công chức hiện giữ, được cấp có thẩm quyền công nhận;

– Được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý gắn với yêu cầu của vị trí việc làm.

Trên đây là thông tin được Mys Law đề cập tới. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 1900866637 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.

Trân trọng!