Việc sở hữu và sử dụng chung cư chưa có sổ hồng không phải là trường hợp hiếm gặp. Nhiều người đặt ra câu hỏi: Chung cư chưa có sổ hồng có vay ngân hàng được không? Bài viết sau của Mys Law sẽ giúp bạn giải đáp vấn đề này.

1. Thế nào là chung cư chưa có sổ hồng?

Chung cư chưa có sổ hồng là trường hợp nhà chung cư chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở theo quy định pháp luật.

Hiện nay, việc chung cư chưa được cấp sổ hồng có thể xuất phát từ các nguyên nhân sau:

  • Chung cư chưa có đầy đủ giấy tờ pháp lý hoặc giấy tờ sở hữu căn hộ chưa rõ ràng, không đủ căn cứ để xin cấp sổ hồng.
  • Công trình chung cư chưa hoàn thành để được cấp sổ hồng.
  • Chung cư vướng các tranh chấp liên quan đến quy hoạch (bị thu hồi, đền bù…) hoặc tranh chấp về mua bán, tặng cho…
  • Chung cư đã hoàn thành nhưng không đúng với thiết kế ban đầu đã được phê duyệt hoặc đã đăng ký trong giấy phép xây dựng.
  • Chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, như nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế giá trị gia tăng, lệ phí môn bài…

2. Chung cư chưa có sổ hồng có được vay ngân hàng không?

Theo khoản 2 Điều 160 Luật Nhà ở 2023, các giao dịch về nhà ở sau không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận:
a) Mua bán, thuê mua, thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai; bán nhà ở trong trường hợp giải thể, phá sản.
b) Tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết.
c) Mua bán, thuê mua nhà ở có sẵn của chủ đầu tư trong các trường hợp: nhà ở thuộc tài sản công, nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang, nhà ở phục vụ tái định cư không thuộc tài sản công.
d) Cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở.
đ) Nhận thừa kế nhà ở.

Giấy tờ chứng minh điều kiện nhà ở tham gia giao dịch được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Kết luận: Chung cư chưa có sổ hồng vẫn có thể vay thế chấp ngân hàng nếu thuộc trường hợp nhà ở hình thành trong tương lai.

3. Hồ sơ vay thế chấp ngân hàng với chung cư chưa có sổ hồng thế nào?

Theo Điều 184 Luật Nhà ở 2023, để thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai, cần chuẩn bị các giấy tờ sau:

Trường hợp chủ đầu tư thế chấp một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư xây dựng nhà ở:

  • Hồ sơ dự án.
  • Thiết kế kỹ thuật của dự án được phê duyệt.
  • Giấy chứng nhận hoặc quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Trường hợp chủ đầu tư thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai trong dự án:

  • Các giấy tờ như trên.
  • Nhà ở thế chấp phải thuộc diện đã xây dựng xong phần móng và không nằm trong phần dự án hoặc toàn bộ dự án mà chủ đầu tư đã thế chấp (trừ trường hợp đã giải chấp).

Trường hợp tổ chức, cá nhân thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai trên thửa đất ở hợp pháp của mình:

  • Giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất ở hợp pháp theo quy định pháp luật về đất đai.
  • Giấy phép xây dựng (nếu thuộc diện phải có giấy phép).

Trường hợp cá nhân thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai do mua của chủ đầu tư trong dự án:

  • Hợp đồng mua bán nhà ở ký với chủ đầu tư.
  • Văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở (nếu là bên nhận chuyển nhượng).
  • Giấy tờ chứng minh đã đóng tiền mua nhà ở cho chủ đầu tư theo tiến độ thỏa thuận trong hợp đồng.
  • Nhà ở không thuộc diện đang có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về hợp đồng mua bán hoặc văn bản chuyển nhượng hợp đồng.

Trên đây là thông tin mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 0969.361.319 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.

Trân trọng!

Người biên tập: Nguyễn Anh Quân