Quyền dân sự là quyền của công dân hoặc pháp nhân (chủ thể) được pháp luật dân sự công nhận và bảo vệ. Quyền này chỉ bị hạn chế trong trường hợp vì lý do quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội, an ninh quốc gia, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng mà phải bị hạn chế. Như vậy, dù là các chủ thể khác nhau, thực hiện quyền dân sự khác nhau thì các chủ thể vẫn sẽ được pháp luật bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp khi bị cá nhân, pháp nhân khác xâm phạm. Hãy cùng Mys Law tìm hiểu về các phương thức bảo vệ quyền dân sự thông qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật Dân sự 2015.

1. Quyền dân sự được xác lập từ đâu?

Theo Điều 8 Bộ luật Dân sự 2015, quyền dân sự được xác lập từ các căn cứ sau đây:

– Hợp đồng.

– Hành vi pháp lý đơn phương.

– Quyết định của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác theo quy định của luật.

– Kết quả của lao động, sản xuất, kinh doanh; kết quả của hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ.

– Chiếm hữu tài sản.

– Sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.

– Bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật.

– Thực hiện công việc không có ủy quyền.

– Căn cứ khác do pháp luật quy định.

2. Có bao nhiêu phương thức bảo vệ quyền dân sự?

Khi quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân bị xâm phạm thì chủ thể đó có quyền tự bảo vệ theo quy định Bộ luật Dân sự 2015, luật khác có liên quan hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền:

(1) Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của mình.

(2) Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm.

(3) Buộc xin lỗi, cải chính công khai.

(4) Buộc thực hiện nghĩa vụ.

(5) Buộc bồi thường thiệt hại.

(6) Hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.

(7) Yêu cầu khác theo quy định của luật.

Như vậy, sẽ có 07 phương thức bảo vệ quyền dân sự theo quy định tại Điều 11 Bộ luật Dân sự 2015.

3. Cá nhân, pháp nhân thực hiện quyền dân sự của mình như thế nào?

Cụ thể tại Điều 9 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thực hiện quyền dân sự như sau:

– Cá nhân, pháp nhân thực hiện quyền dân sự theo ý chí của mình, không được trái với quy định tại Điều 3 và Điều 10 Bộ luật Dân sự 2015.

Cụ thể không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự sau đây:

+ Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.

+ Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.

+ Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực.

+ Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

+ Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.

Đồng thời không trái với quy định về giới hạn việc thực hiện quyền dân sự sau đây:

+ Cá nhân, pháp nhân không được lạm dụng quyền dân sự của mình gây thiệt hại cho người khác, để vi phạm nghĩa vụ của mình hoặc thực hiện mục đích khác trái pháp luật.

+ Trường hợp cá nhân, pháp nhân không tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều 10 Bộ luật Dân sự 2015 thì Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác căn cứ vào tính chất, hậu quả của hành vi vi phạm mà có thể không bảo vệ một phần hoặc toàn bộ quyền của họ, buộc bồi thường nếu gây thiệt hại và có thể áp dụng chế tài khác do luật quy định.

– Việc cá nhân, pháp nhân không thực hiện quyền dân sự của mình không phải là căn cứ làm chấm dứt quyền, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Trên đây là thông tin mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 1900866637 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.

Trân trọng!