Những ngày qua thì cả cộng đồng mạng đang xôn xao bàn tán về vụ 3 cô con gái mang xăng đến đốt nhà mẹ đẻ để đòi chia quyền thừa kế khiến cả 4 mẹ con bị bỏng. Vậy thì câu hỏi được đặt ra ở đây là Con có ý định giết cha mẹ thì có được hưởng thừa kế nữa không? 3 cô con gái trên có bị truất quyền thừa kế hay không? Hành vi mang xăng đến đốt nhà mẹ đẻ bị pháp luật xử lý như thế nào? Hãy cùng MYS LAW tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý

  • Bộ luật dân sự 2015
  • Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017

 

 Vụ việc xảy ra tại thôn Thiên Lộc, xã Trung Hòa, huyện Yên Mỹ. Theo kết quả xác minh ban đầu từ cơ quan công an, do mâu thuẫn trong việc tranh chấp tài sản, chia quyền thừa kế đất, sáng 30-10, ba người con gái đến nhà mẹ đẻ của mình là bà Vũ Thị Đ. (61 tuổi) cự cãi.

Những người này mang theo can xăng loại 10 lít đến nhà bà Đ.. Sau khi cự cãi ngoài cửa, cả ba cùng mẹ đẻ tiếp tục vào trong nhà, một người mang theo can xăng đổ xuống nền gian phòng khách rồi châm lửa đốt.

Lửa bùng lên khiến bà Đ. và ba người con đều bị bỏng nặng gồm: Đỗ Thị Định (sinh năm 1982), Đỗ Thị Điểm (sinh năm 1988) và Đỗ Thị Đưa (sinh năm 1990). Cả bốn người đều được đưa đi bệnh viện cấp cứu. Tài sản thiệt hại do bị đốt cháy khoảng 50 triệu đồng.

Thông tin từ Viện Bỏng quốc gia cho biết hiện nay viện đang điều trị cho bốn bệnh nhân liên quan đến vụ đốt xăng tại tỉnh Hưng Yên.

Trong đó, có ba bệnh nhân bị bỏng sâu trên diện rộng, đang được điều trị chống sốc, nhiễm trùng, tiên lượng xấu, một người bỏng nhẹ hiện đang điều trị hồi sức. Bên cạnh đó, các bệnh nhân đều gặp khó khăn trong việc chi trả chi phí điều trị.

Con trai của bà Đ. cho biết mẹ mình bị bỏng 80% từ đầu đến chân, bác sĩ nhận định nguy hiểm đến tính mạng nên đang hội chẩn tính toán phương án phẫu thuật.

Cũng theo con trai bà Đ., nguồn cơn vụ việc đau lòng có lẽ từ lúc gia đình xây nhà mới, từ đó chị em trong gia đình nảy sinh mâu thuẫn, lòng tham, đố kỵ nảy ra.

Từ cuối năm 2020, người con gái thứ ba đã có đơn đề nghị hòa giải gửi đến UBND xã Trung Hòa về việc giải quyết phân chia tài sản thừa kế từ người cha để lại.

Tài sản để lại gồm hai mảnh đất: mảnh thứ nhất ở trong ngõ, cách đường trục chính của làng khoảng 200m, có nhà cấp bốn. Mảnh thứ hai sát mặt đường chính của làng, cả gia đình cùng góp công sức đổ nền để làm nhà ở và hiện đang có nhà mới xây.

Trong những lần hòa giải, người mẹ nêu quan điểm: gia đình có hai thửa đất thì thửa đất hiện tại (ở sát mặt đường) bà và con trai đang ở, nếu sau này bà mất đi sẽ để lại cho con trai thờ cúng. Còn thửa đất phía trong bà sẵn sàng cho ba cô con gái.

Tuy nhiên, người con gái thứ ba nhất quyết không đồng ý nhận thửa đất phía trong và bày tỏ mong muốn mẹ chia thửa đất phía ngoài cho ba chị em để còn kinh doanh, sinh sống.

 

Con có ý định giết cha mẹ thì có được hưởng thừa kế nữa không?

Thừa kế được hiểu là chuyển dịch tài sản từ người đã mất sang người còn sống. Nhiều người thì thường nghĩ rằng đã là con thì sẽ chắc chắn sẽ được hưởng quyền thừa kế từ bố mẹ mình. Nhưng thực tế thì không phải như vậy, pháp luật sẽ không cho một số trường hợp nhất định được hưởng quyền này, đó gọi là bị truất quyền thừa kế hoặc tước quyền thừa kế. 

Cụ thể ở trong trường hợp này, ba con gái có hành vi cố ý mang xăng đến để đốt nhà mẹ đẻ của mình vì không được chia nhà đất thì thuộc vào trường hợp bị tước quyền thừa kế theo quy định tại khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau: 

“a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;

b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;

c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;

d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.”

Như vậy, qua quy định nêu trên thì những cơ quan có thẩm quyền và chính người mẹ hoàn toàn có đầy đủ cơ sở để không cho cả 3 cô con gái kia được hưởng bất cứ tài sản nào chứ không riêng gì ngôi nhà. 

 

Hành vi mang xăng đến đốt nhà mẹ đẻ bị pháp luật xử lý như thế nào? 

Có thể thấy đây là sự việc nghiêm trọng, trường hợp động cơ mục đích của hành vi đốt nhà này là để sát hại những người trong nhà hoặc người thực hiện hành vi đốt nhà bằng xăng biết được hành vi của mình là nguy hiểm, có thể gây thiệt hại đến tài sản, thậm chí tính mạng của những người sinh sống trong ngôi nhà này nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra thì 3 người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người (mặc dù nạn nhân không chết do được cấp cứu kịp thời). Cụ thể tại Điều 123 Bộ luật hình sự như sau

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, hành vi của 3 cô con gái là vi phạm pháp luật, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức xử phạt kịch khung có thể lên tới tử hình bởi thực hiện hành vi này với chính mẹ ruột của mình. 

 

Việc xác định hành vi có thể dẫn đến chết người hay không phụ thuộc vào đặc điểm của vụ việc như số lượng xăng đổ ra, đặc điểm ngọn lửa, khả năng thoát hiểm của nạn nhân và các yếu tố khác về mặt cơ học, kĩ thuật… Nếu không đủ căn cứ xử lý hình sự về tội Giết người, người vi phạm vẫn có thể bị xem xét trách nhiệm về các tội Cố ý gây thương tích (Điều 134) và Hủy hoại tài sản (Điều 178) theo Bộ luật Hình sự 2015.

Trường hợp xác định mục đích phóng hỏa của 3 người con gái là hành vi cố ý nhằm gây thương tích cho người khác, người vi phạm có thể bị xem xét xử lý về tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 với tình tiết định khung dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người theo điểm a, khoản 1, Điều 134 Bộ luật này.

Đối chiếu với trường hợp này, nếu 3 người con gái bị tống đạt quyết định khởi tố bị can về tội Giết người, họ sẽ bị truất quyền hưởng thừa kế. Khi đó, di sản sẽ thuộc về người còn lại trong hàng thừa kế thứ nhất theo thông tin hiện có là người con trai trong gia đình.

Trên đây là kiến thức mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 0969.361.319 hoặc email: [email protected] 

Trân trọng!