Cha mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên hoặc con đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con. Tuy nhiên trong đời sống hàng ngày có những trường hợp con ngoài giá thú, vậy câu hỏi được đặt ra ở đây là con ngoài giá thú có được yêu cầu cấp dưỡng không? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây của Mys Law để có được câu trả lời.

1. Con ngoài giá thú có được cấp dưỡng không?

Con ngoài giá thú là thuật ngữ được sử dụng nhiều trong đời sống hàng ngày, tuy nhiên quy định pháp luật hiện hành lại không có bất kỳ văn bản nào đưa ra định nghĩa về thuật ngữ này. 

Tuy nhiên, có thể hiểu con ngoài giá thú là con được sinh ra mà bố, mẹ không phải là vợ chồng hợp pháp của nhau. Luật Hôn nhân và gia đình chỉ công nhận quan hệ hôn nhân khi các bên có đủ điều kiện kết hôn và thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn tại ủy ban nhân dân có thẩm quyền.

Để xác định con ngoài giá thú có được yêu cầu cấp dưỡng không thì cần xem xét và chứng minh được mối quan hệ cha mẹ con giữa người cấp dưỡng và người được cấp dưỡng bởi cấp dưỡng được thực hiện giữa cha mẹ con khi đáp ứng điều kiện nêu tại Điều 110 Luật Hôn nhân và Gia đình hiện hành:

– Là con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình.

– Cha mẹ và con không sống chung với nhau hoặc sống chung nhưng cha mẹ vi phạm nghĩa vụ với con.

Căn cứ quy định này cùng các quy định khác liên quan, nghĩa vụ cấp dưỡng đều không phân biệt con ngoài giá thú hay con trong thời kỳ hôn nhân, con của cha mẹ đã đăng ký kết hôn hợp pháp… Tuy nhiên, điều kiện bắt buộc khi cấp dưỡng cho con là phải có mối quan hệ cha mẹ con.

Trong khi đó, con ngoài giá thú là con được sinh ra không trong thời kỳ hôn nhân hoặc khi cha mẹ không đăng ký kết hôn. Do đó, nếu không chứng minh được có mối quan hệ cha mẹ con thì con ngoài giá thú có thể không được công nhận là con của nam, nữ. Khi đó, không xác định được quan hệ cha mẹ con thì sẽ không thể yêu cầu cấp dưỡng. 

Như vậy, con ngoài giá thú hoàn toàn có quyền yêu cầu cấp dưỡng nếu chứng minh được đây là con của người cấp dưỡng và đáp ứng các điều kiện được cấp dưỡng nêu trên.

Theo đó, người con này được quyền yêu cầu cha, mẹ đóng góp tiền/tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu khi là con chưa đủ 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nhưng không có tài sản để tự nuôi mình và không có khả năng lao động (căn cứ khoản 24 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014).

2. Con ngoài giá thú được yêu cầu cấp dưỡng thế nào?

2.1 Cần chuẩn bị hồ sơ gì để yêu cầu cấp dưỡng?

Khi yêu cầu cấp dưỡng, con ngoài giá thú cần chuẩn bị các giấy tờ sau đây:

– Đơn yêu cầu cấp dưỡng.

– Giấy tờ chứng minh quan hệ cha mẹ con:

+ Giấy khai sinh (nếu giấy khai sinh đã có đủ tên cha và mẹ của trẻ – đây là trường hợp đã thực hiện thủ tục xác định cha mẹ con).

+ Tờ khai đăng ký nhận cha mẹ con; chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc quan hệ mẹ con như văn bản giám định ADN; văn bản cam đoan về mối quan hệ cha con hoặc mẹ con, có ít nhất 02 người làm chứng…

– Giấy tờ chứng minh điều kiện được yêu cầu cấp dưỡng:

+ Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn hoặc giấy khai sinh hoặc bất cứ giấy tờ nào có thông tin để chứng minh là con chưa thành niên.

+ Quyết định của Toà án đã có hiệu lực tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế hành vi dân sự… hoặc các giấy tờ khác để chứng minh người đó không có khả năng lao động, thu nhập để tự nuôi sống bản thân mình…

2.2 Không cấp dưỡng cho con ngoài giá thú, có khởi kiện được không?

Sau khi đã xác định con ngoài giá thú có được yêu cầu cấp dưỡng, nếu yêu cầu mà cha hoặc mẹ không thực hiện việc cấp dưỡng cho con ngoài giá thú thì hoàn toàn có quyền yêu cầu thi hành án việc cấp dưỡng.

Theo đó, thủ tục yêu cầu thi hành án việc cấp dưỡng thực hiện theo Luật Thi hành án dân sự như sau:

Hồ sơ chuẩn bị

– Đơn yêu cầu thi hành án.

– Quyết định về việc cấp dưỡng con ngoài giá thú.

Người yêu cầu có thể nộp trực tiếp hoặc nộp quy bưu điện đến cơ quan thi hành án.

Cơ quan tiếp nhận hồ sơ

Cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện theo Điều 35 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi bổ sung năm 2014.

Thời gian giải quyết

– Trong 05 ngày làm việc: Cơ quan thi hành án sẽ kiểm tra nội dung yêu cầu, tài liệu kèm theo và thông báo cho người yêu cầu việc từ chối yêu cầu hoặc ra quyết định thi hành án.

– Hết 10 ngày tự nguyện thi hành án mà người có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con ngoài giá thú không thực hiện thì cơ quan thi hành án sẽ thực hiện cưỡng chế thi hành án.

Trên đây là thông tin mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 1900866637 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.

Trân trọng!