Hiện nay do tác động của đời sống kinh tế, xã hội và các yếu tố khác trong xã hội, tình trạng chung sống như vợ chồng ngày càng có chiều hướng gia tăng và tính chất ngày càng phức tạp. Nhóm đối tượng sống chung như vợ chồng có thể là các đôi nam, nữ “sống thử”, các cắp đôi đồng giới, chuyển giới. Vậy khái niệm chung sống như vợ chồng được quy định như thế nào dưới góc độ pháp lý? Hãy cùng Mys Law thông qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

– Luật Hôn nhân và gia đình 2014;

– Nghị định 82/2020/NĐ-CP;

– Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC.

Đang chung sống với nhau như vợ chồng và đã có con chung nhưng lại muốn kết hôn với người khác thì có trái với pháp luật không?

Chung sống như vợ chồng được pháp luật đinh nghĩa theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:

Giải thích từ ngữ

7. Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng.

Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại Điều 14 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 đề cập đến việc giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn như sau:

Giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

1. Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.

2. Trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều này nhưng sau đó thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật thì quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm đăng ký kết hôn.

Theo đó, pháp luật không xem việc chung sống với nhau như vợ chồng là vợ chồng hợp pháp. Ngoài ra, việc sống chung với nhau như vợ chồng không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng.

Do đó, người chung sống với nhau như vợ chồng nhưng muốn kết hôn với người khác sẽ khồng trái với quy định của pháp luật kể cả khi trong quá trình chung sống với nhau như vợ chồng đã có con chung.

Chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không muốn tiếp tục mối quan hệ thì người không trực tiếp nuôi con có quyền được giáo dục con hay không?

Căn cứ theo Điều 15 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:

Quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.

Cùng với đó, theo Điều 83 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn cụ thể như sau:

Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

1. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.

2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Như vậy, trường hợp chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không muốn tiếp tục mối quan hệ, khi cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con vẫn có quyền thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con mà không bị cản trở bởi người trực tiếp nuôi con hay thành viên trong gia đình.

Đã kết hôn nhưng mà chung sống với nhau như vợ chồng với người khác thì xử phạt như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP cụ thể như sau:

Hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;

c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

đ) Cản trở kết hôn, yêu sách của cải trong kết hôn hoặc cản trở ly hôn.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;

b) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi;

c) Cưỡng ép kết hôn hoặc lừa dối kết hôn; cưỡng ép ly hôn hoặc lừa dối ly hôn;

d) Lợi dụng việc kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình;

đ) Lợi dụng việc ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các điểm d và đ khoản 2 Điều này.

Do đó, theo quy định trên, khi đang trong mối quan hệ hôn nhân nhưng lại chung sống với nhau như vợ chồng với người khác thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Trên đây là thông tin mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 1900866637 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.

Trân trọng!