Chơi hụi là hình thức huy động vốn hay tiết kiệm tập thể trong dân gian Việt Nam, thường do phụ nữ thực hiện. Hình thức này còn có tên gọi khác là họ, biêu hay phường tùy theo địa phương. Chơi hụi tồn tại từ lâu và đã được quy định các rõ ràng trong các văn bản Pháp luật. Vậy chơi hụi là gì? Hãy cùng Mys Law tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
Căn cứ pháp lý:
– Bộ luật Dân sự 2015;
– Nghị định 19/2019/NĐ-CP;
– Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.
1. Việc tham gia chơi hụi được pháp luật quy định như thế nào?
Tại Điều 471 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc tham gia chơi hụi như sau:
“Điều 471. Họ, hụi, biêu, phường
1. Họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi chung là họ) là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.
2. Việc tổ chức họ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật.
3. Trường hợp việc tổ chức họ có lãi thì mức lãi suất phải tuân theo quy định của Bộ luật này.
4. Nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi.”
Đây là một hình thức giao dịch về tài sản theo thỏa thuận của một nhóm người tập hợp lại cùng định ra một số lượng người cụ thể, thời gian, số tiền hoặc một loại tài sản khác, đồng thời thỏa thuận hình thức góp, lĩnh tiền hụi cụ thể của các thành viên.
Bản chất của hụi chính là một hình thức cho vay tài sản giữa những người tham gia hụi với nhau.
Chơi hụi chia làm 2 hình thức:
- Chơi hụi tính lãi: khi một con hụi cần tiền gấp, nếu muốn chốt hụi sớm thì phải chịu một phần lãi của những con hụi khác, phần lãi này trừ trực tiếp vào số tiền phải đóng hụi của những người khác.
- Chơi hụi không có lãi: Đến kỳ chốt hụi, con hụi nhận được đủ số tiền, và sẽ phải tiếp tục đóng hụi định kỳ hàng tháng.
Ngày nay, các dây hụi thường được tổ chức theo hình thức chơi hụi có lãi. Chính vì vậy, nếu tham gia dây hụi có lãi, con hụi nếu chốt hụi sau thì sẽ có lãi.
2. Điều kiện để được phép làm thành viên tham gia chơi hụi là gì?
Quy định tại Điều 5 Nghị định 19/2019/NĐ-CP quy định về điều kiện tham gia chơi hụi như sau:
“Điều 5. Điều kiện làm thành viên
1. Thành viên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên và không thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định tại Bộ luật dân sự.
Người từ đủ mười lăm tuổi đến dưới mười tám tuổi nếu có tài sản riêng có thể là thành viên của dây họ, trường hợp sử dụng tài sản riêng là bất động sản, động sản phải đăng ký để tham gia dây họ thì phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
2. Điều kiện khác theo thỏa thuận của những người tham gia dây họ.”
Như vậy, cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, năng lực pháp luật dân sự hoặc do thỏa thuận của những người tham gia chơi hụi.
3. Nếu chơi hụi không trả đầy đủ tiền lãi thì chủ hụi chịu trách nhiệm gì?
Căn cứ theo Điều 23 Nghị định 19/2019/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 23. Trách nhiệm của chủ họ do không giao hoặc giao không đầy đủ các phần họ cho thành viên được lĩnh họ
Trường hợp đến kỳ mở họ mà chủ họ không giao các phần họ cho thành viên được lĩnh họ thì chủ họ có trách nhiệm đối với thành viên đó như sau:
1. Thực hiện đúng nghĩa vụ quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 18 của Nghị định này.
2. Trả lãi đối với số tiền chậm giao cho thành viên được lĩnh họ theo quy định tại khoản 1 Điều 22 của Nghị định này.
3. Chịu phạt vi phạm trong trường hợp những người tham gia dây họ có thỏa thuận phạt vi phạm theo quy định tại Điều 418 của Bộ luật dân sự.
4. Bồi thường thiệt hại (nếu có).”
Vì vậy, trong trường hợp này ngoài việc chủ hụi phải trả lại số tiền mà hai chị đã đóng hụi, chủ hụi còn phải trả lãi đối với số tiền chậm giao; chịu phạt vi phạm trong trường hợp có thỏa thuận phạt vi phạm và phải bồi thường thiệt hại (nếu có) cho chị và bạn của mình.
Ngoài ra chủ hụi cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bởi khoản 35 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017:
“Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.”
Theo quy định trên, nếu chủ hụi có dấu hiệu trốn tránh trách nhiệm trả lại số tiền mà hai chị đã tham gia chơi hụi và số tiền lĩnh hụi.
Chủ hụi bỏ trốn thì ngoài khởi kiện ra Tòa, chị có thể trình báo đến cơ quan công an cấp huyện và cung cấp chứng cứ cũng như quá trình tham gia chơi hụi.
Nếu có đủ dấu hiệu theo quy định trên thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, việc này còn phải tùy thuộc vào quá trình điều tra của cơ quan điều tra.
Trên đây là thông tin mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 0969.361.319 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.
Trân trọng!