Trong cuộc sống hàng ngày việc phát sinh ra các mâu thuẫn là không thể tránh khỏi như mâu thuẫn giữa các cá nhân, mẫu thuẫn giữa cá nhân với tổ chức hay mẫu thuẫn giữa các tổ chức với nhau. Mẫu thuẫn thì luôn muôn hình vạn trạng từ mâu thuẫn về quan hệ gia đình, mâu thuẫn trong tranh chấp tài sản, mâu thuẫn trong quan hệ lao động… Giải quyết mâu thuẫn thì có rất nhiều cách nhưng con đường giải quyết mâu thuẫn văn minh nhất là con đường pháp luật, nhiều người chọn phương pháp khởi kiện ra Tòa. Trong bài viết dưới đây Mys Law sẽ cung cấp cho bạn về điều kiện để khởi kiện vụ án dân sự. Cùng theo dõi để biết thêm thông tin chi tiết.

Căn cứ pháp lí:

  • Bộ luật Dân sự 2015
  • Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 

1. Khi nào thì khởi kiện? 

Mọi người cần phân biệt được giữa khởi kiện và tố cáo, tố giác tội phạm

  • Khởi kiện: Là hành vi của các tổ chức, cơ quan, cá nhân bằng cách tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp đưa sự việc có tranh chấp ra trước Tòa án theo thủ tục tố tụng nhằm yêu cầu được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Thẩm quyền giải quyết thuộc về Tòa án. Tòa sẽ xem xét, xét xử xem bên nào đúng, bên nào sai nhằm chấm dứt hành vi gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. 
  • Tố cáo, tố giác: Là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật Tố cáo báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban Nhân dân địa phương sẽ là nơi giải quyết vụ việc. Cơ quan chức năng sẽ tiến hành xử lý hành vi vi phạm pháp luật hình sự đó theo pháp luật hình sự, nếu chưa tới mức xử phạt hình sự thì cơ quan chức năng sẽ tiến hành xử phạt hành chính phù hợp. 

Quay trở lại với nội dung chính mâu thuẫn như thế nào thì đi khởi kiện?

Đối với quyền khởi kiện thì điều cơ bản nhất người khởi kiện cần biết đó là khi quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm thì cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể tự mình hoặc thông qua người khác (người đại diện hợp pháp) để khởi kiện.

Bên cạnh đó, trong một số trường hợp pháp luật còn cho phép một số đối tượng nhất định có quyền khởi kiện nhằm đảm bảo công lý, công bằng trong xã hội khi cho rằng quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng hay lợi ích của Nhà nước bị xâm phạm.

2. Điều kiện khởi kiện 

2.1. Một là, chủ thể khởi kiện phải có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự.

Theo Điều 186 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Quyền khởi kiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân được quy định tại Điều 187 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, cụ thể:

– Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án về hôn nhân và gia đình theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.

– Tổ chức đại diện tập thể lao động có quyền khởi kiện vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động hoặc khi được người lao động ủy quyền theo quy định của pháp luật.

  – Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quyền đại diện cho người tiêu dùng khởi kiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

    –  Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà   nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách hoặc theo quy định của pháp luật.

– Cá nhân có quyền khởi kiện vụ án hôn nhân và gia đình để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.

Ngoài ra, theo Điều 69 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 chủ thể khởi kiện phải có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự.

– Năng lực hành vi tố tụng dân sự là khả năng tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng dân sự.

– Chủ thể khởi kiện là người từ đủ 18 tuổi trở lên có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự, trừ người mất năng lực hành vi dân sự hoặc pháp luật có quy định khác.

– Chủ thể dưới 18 tuổi hoặc không có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự phải có người đại diện theo pháp luật hoặc theo quyết định của Tòa án khi tham gia tố tụng.

2.2. Hai là, vụ án được khởi kiện phải thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Thẩm quyền của Tòa án trong vụ án dân sự chia thành 3 loại:

Thẩm quyền theo loại vụ việc: Những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án được quy định tại các Điều 26, 28, 30, 32 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

Trường hợp vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án mà thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan khác thì Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện.

Thẩm quyền theo cấpThẩm quyền theo cấp của Tòa án được quy định cụ thể tại các Điều 35, 36, 37, 38 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 và chia theo 4 cấp:

+ Tòa án nhân dân cấp huyện; 

+ Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp huyện;

+ Tòa án nhân dân cấp tỉnh;

+ Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

Thẩm quyền theo lãnh thổ: Thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án được quy định cụ thể tại Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

2.3. Ba là, vụ án vẫn còn thời hiệu khởi kiện.

Theo Điều 154, 155 Bộ luật Dân sự 2015, Điều 184 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự quy định như sau:

– Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

– Thời hiệu khởi kiện không áp dụng trong trường hợp sau đây:

+ Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản.

+ Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp có quy định khác.

+ Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai.

+ Trường hợp khác do luật quy định.

– Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc.

Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.

2.4. Bốn là, sự việc chưa được giải quyết bằng một bản án hay quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều kiện này nhằm bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định, sự ổn định của các quan hệ xã hội, một việc đã được giải quyết thì không giải quyết lại nữa để tránh tình trạng chồng chéo cũng một việc mà nhiều cơ quan giải quyết và tránh việc cố tình kéo dài việc khiếu kiện của đương sự.

Nếu sự việc đã được Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam giải quyết bằng một bản án hay quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương sự không được khởi kiện lại đối với vụ án đó nữa, trừ các trường hợp sau đây:

(1) Yêu cầu xin thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại;

(2) Yêu cầu thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản, thay đổi người giám hộ;

(3) Bản án, quyết định của tòa án bác đơn xin ly hôn;

(4) Vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu;

(5) Các trường hợp khác pháp luật quy định.

Khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện trên thì người khởi kiện mới có quyền khởi kiện vụ án dân sự theo quy định của pháp luật Tố tụng dân sự.

Trên đây là bài viết liên quan đến điều kiện để khởi kiện vụ án dân sự. Nếu gặp phải khó khăn trong quá trình thực hiện thủ tục hoặc cần hỗ trợ pháp lý về hồ sơ liên quan, hãy gọi cho chúng tôi để giải đáp những thắc mắc của quý khách thông qua số điện thoại 0969.361.319 hoặc email: [email protected] 

Trân trọng!