Cho thuê lại lao động là việc người lao động giao kết hợp đồng lao động với một người sử dụng lao động là doanh nghiệp cho thuê lại lao động, sau đó người lao động được chuyển sang làm việc và chịu sự điều hành của người sử dụng lao động khác mà vẫn duy trì quan hệ lao động với người sử dụng lao động đã giao kết hợp đồng lao động. Hoạt động cho thuê lại lao động là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, chỉ được thực hiện bởi các doanh nghiệp có Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động và áp dụng đối với một số công việc nhất định. Vậy doanh nghiệp cho thuê lại lao động là doanh nghiệp như thế nào? Hãy cùng Mys Law tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

– Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

Doanh nghiệp cho thuê lại lao động là doanh nghiệp như thế nào?

Căn cứ Điều 12 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định thì doanh nghiệp cho thuê lại lao động được hiểu là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020.

Được cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động, có tuyển dụng, giao kết hợp đồng lao động với người lao động, sau đó chuyển người lao động sang làm việc và chịu sự điều hành của người sử dụng lao động khác mà vẫn duy trì quan hệ lao động với doanh nghiệp đã giao kết hợp đồng lao động.

Tiền ký quỹ của doanh nghiệp cho thuê lại lao động được sử dụng vào mục đích gì?

Tiền ký quỹ của doanh nghiệp cho thuê lại lao động được quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 145/2020/NĐ-CP như sau:

Ký quỹ và sử dụng tiền ký quỹ

1. Doanh nghiệp thực hiện ký quỹ theo mức quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định này tại ngân hàng thương mại của Việt Nam hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (sau đây gọi là ngân hàng nhận ký quỹ).

2. Tiền ký quỹ được sử dụng vào mục đích thanh toán tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các chế độ khác đối với người lao động thuê lại theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế của doanh nghiệp cho thuê lại hoặc bồi thường cho người lao động thuê lại trong trường hợp doanh nghiệp cho thuê lại vi phạm hợp đồng lao động với người lao động thuê lại hoặc gây thiệt hại cho người lao động thuê lại do không bảo đảm về quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động thuê lại.

Như vậy, theo quy định, tiền ký quỹ của doanh nghiệp cho thuê lại lao động được sử dụng vào các mục đích sau đây:

(1) Thanh toán tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các chế độ khác đối với người lao động thuê lại theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế của doanh nghiệp cho thuê lại;

(2) Bồi thường cho người lao động thuê lại trong trường hợp doanh nghiệp cho thuê lại vi phạm hợp đồng lao động với người lao động thuê lại hoặc gây thiệt hại cho người lao động thuê lại do không bảo đảm về quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động thuê lại.

Doanh nghiệp cho thuê lại lao động không đủ nguồn tài chính để thanh toán tiền lương cho người lao động thì có được rút tiền ký quỹ không?

Trường hợp doanh nghiệp cho thuê lại lao động được rút tiền ký quỹ được quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định 145/2020/NĐ-CP như sau:

Điều 18. Rút tiền ký quỹ

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi doanh nghiệp cho thuê lại đặt trụ sở chính đồng ý để doanh nghiệp cho thuê lại rút tiền ký quỹ khi doanh nghiệp thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Doanh nghiệp cho thuê lại gặp khó khăn, không đủ nguồn tài chính để thanh toán đủ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các chế độ khác đối với người lao động thuê lại theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế của doanh nghiệp cho thuê lại sau thời hạn từ 30 ngày kể từ ngày đến thời hạn thanh toán theo quy định của pháp luật;

b) Doanh nghiệp cho thuê lại gặp khó khăn, không đủ khả năng bồi thường cho người lao động thuê lại do vi phạm hợp đồng lao động với người lao động thuê lại hoặc gây thiệt hại cho người lao động thuê lại vì không bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động thuê lại sau thời hạn 60 ngày kể từ ngày đến thời hạn bồi thường theo quy định của pháp luật;

c) Doanh nghiệp không được cấp giấy phép;

d) Doanh nghiệp cho thuê lại bị thu hồi giấy phép hoặc không được gia hạn, cấp lại giấy phép;

đ) Doanh nghiệp cho thuê lại đã thực hiện ký quỹ tại một ngân hàng thương mại của Việt Nam hoặc chi nhánh ngân hàng thương mại nước ngoài tại Việt Nam khác.

Như vậy, theo quy định, trường hợp doanh nghiệp cho thuê lại gặp khó khăn, không đủ nguồn tài chính để thanh toán đủ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các chế độ khác đối với người lao động thuê lại sau thời hạn từ 30 ngày kể từ ngày đến thời hạn thanh toán thì có thể được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi doanh nghiệp cho thuê lại đặt trụ sở xem xét, đồng ý cho doanh nghiệp rút tiền ký quỹ.

Trên đây là thông tin mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 0969.361.319 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.
Trân trọng!