Một số doanh nghiệp có khối tài sản lớn nên đã thực hiện hoạt động cho vay đối với cá nhân, tổ chức khác. Vậy Doanh nghiệp có được cho công ty khác vay tiền không? Mức lãi suất khi doanh nghiệp cho công ty khác vay tiền là bao nhiêu? Hãy cùng Mys Law tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

Luật các tổ chức tín dụng 2010;

– Bộ luật Dân sự 2015;

– Thông tư 219/2013/TT-BTC;

Thông tư 09/2015/TT-BTC.

1. Doanh nghiệp có được quyền cho doanh nghiệp khác vay tiền hay không?

Theo quy định tại Điều 8 Luật các tổ chức tín dụng 2010, có quy định: “Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán.”

Tại khoản 12 điều 4 Luật này, quy định như sau:

Điều 4. Giải thích từ ngữ

[…]

12. Hoạt động ngân hàng là việc kinh doanh, cung ứng thường xuyên một hoặc một số các nghiệp vụ sau đây:

a) Nhận tiền gửi;

b) Cấp tín dụng;

c) Cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản.

[…]

Trong đó Cấp tín dụng lại được định nghĩa là hoạt động cho vay.

Theo quy định trên thì “hoạt động ngân hàng là hoạt đông kinh doanh, cung ứng thường xuyên …”. Có thể hiểu, việc cho vay chỉ được coi là hoạt động ngân hàng khi nó mang tính kinh doanh và diễn ra thường xuyên. Nghĩa là bên cho vay coi đó như một hoạt động kinh doanh của mình để tạo ra lợi nhuận và việc cho vay diễn ra liên tục.

Trường hợp, doanh nghiệp sử dụng vốn nhàn rỗi cho doanh nghiệp khác vay lại với lãi suất bằng lãi suất tiền gửi và hoạt động này không diễn ra thường xuyên thì không bị coi là hoạt động ngân hàng và đương nhiên không vi phạm Luật các tổ chức tín dụng.

Hiện nay Bộ luât Dân sự 2015 có hẳn một chế định quy định về Cho vay tài sản nhưng cũng không cấm doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng cho vay.

Mặt khác các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực thuế cũng có quy định hướng dẫn việc cho vay của các tổ chức phi tín dụng. VD: Điều 4 Thông tư 09/2015/TT-BTC hướng dẫn việc cho vay giữa các tổ chức phi tín dụng; điểm b khoản 8 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định hoạt động cho vay riêng lẻ, không phải hoạt động kinh doanh, cung ứng thường xuyên của người nộp thuế không phải là tổ chức tín dụng không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT. Điều này gián tiếp thừa nhận việc cho vay của các doanh nghiệp phi tín dụng nếu không thường xuyên, không mang tính chất kinh doanh thì vẫn hợp pháp.

Từ những phân tích trên có thể khẳng định việc cho vay giữa hai doanh nghiệp phi tín dụng là hoàn toàn hợp pháp nếu việc cho vay đó không diễn ra thường xuyên và không mang tính chất kinh doanh.

2. Quy định về lãi suất khi doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp khác cho vay?

Căn cứ Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về tính lãi suất khi doanh nghiệp cho các doanh nghiệp khác cho vay như sau:

Điều 468. Lãi suất

1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.

Như vậy, theo quy định trên thì việc quy định lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng vay thì phải tuân thủ theo quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 là không quá 20%/ năm.

– Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn

Như vậy, lãi suất tối đa mà doanh nghiệp có thể thỏa thuận trong hợp đồng vay là 20%/năm.

3. Hình thức thanh toán trong giao dịch vay, cho vay và trả nợ vay lẫn nhau giữa các doanh nghiệp được quy định ra sao?

Căn cứ Điều 4 Thông tư 09/2015/TT-BTC quy định về hình thức thanh toán trong giao dịch vay, cho vay và trả nợ vay lẫn nhau giữa các doanh nghiệp không phải là tổ chức tín dụng như sau:

Điều 4. Hình thức thanh toán trong giao dịch vay, cho vay và trả nợ vay lẫn nhau giữa các doanh nghiệp không phải là tổ chức tín dụng

1. Các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng (là các doanh nghiệp không thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng) khi thực hiện các giao dịch vay, cho vay và trả nợ vay lẫn nhau sử dụng các hình thức thanh toán được quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này.

2. Các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng khi thực hiện giao dịch vay, cho vay và trả nợ vay lẫn nhau bằng tài sản (không phải bằng tiền), đối trừ công nợ, chuyển giao nghĩa vụ nợ thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

 

Như vậy, các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng khi thực hiện các giao dịch vay, cho vay và trả nợ vay lẫn nhau sử dụng các hình thức thanh toán:

– Thanh toán bằng Séc;

– Thanh toán bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền;

– Các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt phù hợp khác theo quy định hiện hành.

Doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác bằng tài sản (không phải bằng tiền) thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

Trên đây là thông tin được Mys Law đề cập tới. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 1900866637 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.

Trân trọng!