Hiện nay, nước ta có quan hệ hữu nghị hợp tác với 189 quốc gia và vùng lãnh thổ, có quan hệ tài chính với hơn 200 tổ chức quốc tế và diễn đàn quốc tế. Trong bối cảnh đó, các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài ngày càng gia tăng, nhất là các quan hệ hợp đồng có yếu tố nước ngoài. Tình hình đó tất yếu sẽ kéo theo những hậu quả làm phát sinh các vụ tranh chấp có liên quan đến hợp đồng đòi hỏi pháp luật phải giải quyết kịp thời. Khác với việc giải quyết các hợp đồng thông thường, việc giải quyết hợp động có yếu tố nước ngoài thường liên quan đến nguyên tắc chọn luật áp dụng vì nó xảy ra hiện tượng xung đột pháp luật, do một quan hệ pháp luật có yếu tố nước ngoài sẽ chịu sự điều chỉnh hai hay nhiều hệ thống pháp luật khác nhau. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật của các quốc gia trên thế giới là không hoàn toàn giống nhau xuất phát từ những đặc điểm kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội khác nhau. Vậy nên hãy cùng Mys Law tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

  • Bộ luật Dân sự 2015;
  • Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;
  • Luật Thương mại 2005;
  • Hiệp định Tương trợ tư pháp.

1. Khái niệm về hình thức hợp đồng:

Hình thức hợp đồng là cách thức thể hiện của hợp đồng để ghi nhận sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng. Các bên có thể thỏa thuận về hình thức của hợp đồng: bằng lời nói, bằng văn bản hay bằng hành vi cụ thể.

Khi các bên thỏa thuận giao kết hợp đồng bằng một trong ba hình thức trên thì hợp đồng được xem là có hiệu lực và các bên phải tuân theo quy định về nội dung của hình thức hợp đồng đó. Một số trường hợp pháp luật quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản, phải được chứng nhận của công chứng, chứng thực, đăng ký hoặc xin giấy phép, khi đó hình thức hợp đồng phải tuân theo các quy định của pháp luật.

2. Nội dung cơ bản về hình thức hợp đồng:

Có 3 hình thức hợp đồng: Bằng lời nói, bằng văn bản hay bằng hành vi cụ thể quy định tại Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015.

– Hợp đồng miệng (Bằng lời nói): Hợp đồng bằng lời nói hay hợp đồng miệng là hợp đồng được giao kết dưới hình thức ngôn ngữ nói. Các bên giao kết hợp đồng sẽ trao đổi các nội dung thỏa thuận với nhau bằng lời nói trực tiếp hoặc thông qua âm thanh trên điện thoại, điện đàm, thông điệp điện tử… để diễn đạt tư tưởng, mong muốn của mình trong việc xác lập giao kết hợp đồng. Chỉ cần thỏa mãn các điều kiện để có hiệu lực của giao dịch dân sự nói chung và hợp đồng nói riêng được quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015, thì về nguyên tắc, giao dịch dân sự hay hợp đồng được xác lập thông qua lời nói đều có giá trị pháp lý ngang với các hình thức khác. Trừ những loại trường hợp pháp luật quy định hình thức hợp đồng bắt buộc, các loại hợp đồng đều có thể được xác lập bằng lời nói. Thời điểm hình thành hợp đồng miệng là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng quy định tại Khoản 3 Điều 400 Bộ luật Dân sự 2015.

– Hợp đồng bằng hành vi cụ thể: Hình thức hợp đồng bằng hành vi cụ thể được thể hiện ra bên ngoài khá đa dạng. Thỏa mãn được các yếu tố hợp đồng có nội dung đơn giản, không phức tạp; hợp đồng được thực hiện ngay tại thời điểm giao kết; nghĩa vụ trong hợp đồng được xác định như nhau đối với mọi chủ thể chấp nhận giao kết hợp đồng (từ nghĩa vụ thanh toán, khoản tiền thanh toán đến phương thức thực hiện nghĩa vụ) thì hợp đồng giao kết bằng hành vi cụ thể mới giá trị pháp lý.

– Hợp đồng bằng văn bản: Hợp đồng bằng văn bản đảm bảo sự thể hiện rõ ràng ý chí các bên cũng như nội dung của từng điều khoản hợp đồng mà các bên muốn cam kết. Trong văn bản đó, các bên phải ghi đầy đủ những nội dung cơ bản của hợp đồng và 2 bên cùng ký tên xác nhận vào văn bản. Khi có tranh chấp, hợp đồng được giao kết bằng hình thức văn bản tạo ra chứng cứ pháp lý chắc chắn hơn so với hình thức hợp đồng miệng. Căn cứ vào nội dung của hợp đồng, các bên dễ dàng thực hiện quyền yêu cầu của mình đối với bên kia.

3. Các căn cứ xác định hợp đồng có yếu tố nước ngoài trong tư pháp quốc tế:

– Thứ nhất, quốc tịch hoặc nơi cư trú của cá nhân, quốc tịch hoặc nơi có trụ sở của pháp nhân. Có ít nhất chủ thể tham gia quan hệ này là nước ngoài. Chủ thể nước ngoài có thể là người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài, nhà nước nước ngoài (ví dụ một quan hệ hôn nhân giữa công dân Việt Nam với công dân Nhật, chủ thể nước ngoài là công dân Nhật). Lưu ý: Trường hợp 2 công dân Việt Nam đang học tập, làm việc ở nước ngoài kết hôn thì không được xem là hôn nhân có yếu tố nước ngoài

– Thứ hai: hợp đồng được ký kết ở nước ngoài (căn cứ vào sự kiện pháp lý). Việc các bên trong quan hệ hợp đồng có cùng quốc tịch nhưng nếu ký kết hợp đồng ở nước ngoài thì cũng được coi là yếu tố nước ngoài của hợp đồng (ví dụ: pháp nhân Việt Nam ký hợp đồng mua bán hàng hoá với pháp nhân Thái Lan tại Băng Cốc, việc ký kết hợp đồng là một sự kiện pháp lý).

– Thứ ba: đối tượng của hợp đồng là tài sản nước ngoài (ví dụ: một quan hệ thừa kế tài sản giữa công dân Việt Nam với công dân Anh, tài sản thừa kế đang tồn tại trên lãnh thổ Anh).

Xung đột pháp luật về hình thức của hợp đồng có yếu tố nước ngoài là cách hiểu, cách quy định khác nhau về hình thức của hợp đồng của hai hay nhiều hệ thống pháp luật cùng có thể tham gia điều chỉnh quan hệ hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài đó (Ví dụ: Công ước Viên 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế tại Điều 11 quy định: “Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế không nhất thiết phải lập thành văn bản, hợp đồng có thể được chứng minh bằng mọi cách kể cả bằng lời khai của nhân chứng”)

Pháp luật của các nước quy định về hình thức hợp đồng là khác nhau và Công ước

Viên 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế cũng cho phép các quốc gia thành viên có quyền bảo lưu quy định đó. Nên việc xảy ra xung đột pháp luật về hình thức của hợp đồng trong tư pháp quốc tế là rất phổ biến. Nguyên tắc phổ biến trong giải quyết xung đột về hình thức hợp đồng của hầu hết các quốc gia là áp dụng luật nơi ký kết hợp đồng.

4. Quy định của pháp luật Việt Nam về giải quyết xung đột về hình thức hợp đồng có yếu tố nước ngoài:

Pháp luật các nước có những ràng buộc khác nhau về hình thức đối với các loại hợp đồng (Ví dụ: Với hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, pháp luật một số nước trong đó có Việt Nam yêu cầu phải bằng văn bản, nhưng một số nước chỉ yêu cầu bằng lời nói hoặc bằng hành vi cụ thể hay chứng cứ xác nhận). Để giải quyết xung đột pháp luật về hình thức hợp đồng, nguyên tắc được sử dụng phổ biến là luật nơi giao kết hợp đồng (Ví dụ: Công ty A (Việt Nam) ký kết một hợp đồng mua bán áo quần với công ty B (Malaysia). Hợp đồng được ký kết tại trụ sở công ty A. Đến thời hạn giao hàng, công ty A giao hàng nhưng công ty B đã không nhận hàng và cho rằng hợp đồng đã vi phạm pháp luật về hình thức. Theo hợp đồng mọi tranh chấp phát sinh sẽ được giải quyết tại Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam).

Về hình thức của hợp đồng, pháp luật Việt Nam quy định một số loại hợp đồng phải được thể hiện dưới hình thức văn bản mới có giá trị pháp lý như đối với hợp đồng mua bán hàng hóa giữa một bên là thương nhân Việt Nam và một bên là thương nhân nước ngoài thì hình thức của nó phải được thể hiện dưới hình thức văn bản quy định tại Khoản 2 Điều 27 Luật Thương mại Việt Nam 2005.

Theo quy định hiện hành tại Điều 683 Bộ luật Dân sự 2015 thì giải quyết xung đột về hình thức hợp đồng có yếu tố nước ngoài được quy định như sau:

– Hình thức của hợp đồng được xác định theo pháp luật áp dụng đối với hợp đồng đó. Trường hợp hình thức của hợp đồng không phù hợp với hình thức hợp đồng theo pháp luật áp dụng đối với hợp đồng đó, nhưng phù hợp với hình thức hợp đồng theo pháp luật của nước nơi giao kết hợp đồng hoặc pháp luật Việt Nam thì hình thức hợp đồng đó được công nhận ở Việt Nam.

Như vậy, theo Tư pháp quốc tế Việt Nam, hình thức hợp đồng phải tuân theo luật nước nơi giao kết hợp đồng. Trong trường hợp hợp đồng được giao kết ở nước ngoài mà vi phạm pháp luật nước đó nhưng không trái với quy định của pháp luật Việt Nam thì hình thức của hợp đồng đó vẫn công nhận tại Việt Nam. Với quy định này thì hình thức hợp đồng chỉ cần phù hợp với pháp luật một trong hai hệ thống pháp luật là pháp luật Việt Nam hoặc pháp luật nơi giao kết hợp đồng sẽ có giá trị pháp lý tại Việt Nam. Hình thức hợp đồng liên quan đến việc xây dựng hoặc chuyển giao quyền sở hữu công trình, nhà cửa và bất động sản khác trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân theo pháp luật Việt Nam.

– Trong trường hợp hợp đồng được giao kết vắng mặt, pháp luật các nước quy định rất khác nhau về nơi giao kết hợp đồng trong trường hợp giao kết hợp đồng vắng mặt. Đối với trường hợp các bên gặp nhau trực tiếp để giao kết hợp đồng thì nơi giao kết hợp đồng sẽ dễ dàng được xác định. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng lớn các hợp đồng được giao kết thông qua các phương tiện điện tử (email, thư tín, fax…) nên nơi giao kết hợp đồng sẽ trở nên khó khăn trong việc xác định. Trên thế giới hiện nay, có hai thuyết về địa điểm giao kết hợp đồng là thuyết tống phát và thuyết tiếp thu tương ứng với hai hệ thống pháp luật là hệ thống Anh – Mỹ và châu Âu lục địa. Theo thuyết tống phát, nơi giao kết hợp đông là nơi cư trú của bên chấp nhận đề nghi giao kết hợp đồng, còn theo thuyết tiếp thu, nơi giao kết hợp đồng là nơi cư trú của bên đề nghị giao kết. Đối với Việt Nam, để giải quyết xung đột pháp luật về nơi giao kết hợp đồng dân sự vắng mặt, theo Bộ luật Dân sự 2015, trong trường hợp giao kết hợp đồng dân sự vắng mặt thì việc xác định nơi giao kết hợp đồng dân sự vắng mặt thì việc xác định theo luật của nơi cư trú của cá nhân hoặc nơi có trụ sở chính của pháp nhân là bên đề nghị giao kết hợp đồng.

Như vậy, nếu quy phạm xung đột dẫn chiếu đến pháp luật Việt Nam thì Việt Nam theo thuyết tiếp thu thể hiện ở Điều 399 Bộ luật Dân sự 2015, theo đó địa điểm giao kết hợp đồng dân sự do các bên thỏa thuận, nếu không có thỏa thuận thì địa điểm giao kết hợp đồng là nơi cư trú của cá nhân hoặc trụ sở của pháp nhân đã đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng.

 

Trên đây là thông tin được Mys law đề cập tới. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 1900866637 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.

Trân trọng!