Vào các dịp lễ, Tết, hay thậm chí vào các ngày bình thường trong tuần, hàng xóm của bạn thường xuyên mở tiệc, hát karaoke thâu đêm suốt sáng. Hành vi mở nhạc thường xuyên, gây ồn ào, mất trật tự không chỉ làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt bình thường của người khác, gây ảnh hưởng đến mọi người xung quanh mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Vậy pháp luật quy định như thế nào về việc xử phạt tiếng ồn? Hãy cùng Mys Law tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
1. Hình thức xử phạt hành vi thường xuyên gây tiếng ồn
Tại Điều 8 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về việc vi phạm quy định về bảo đảm sự yên tĩnh chung. Cụ thể, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau.
Theo đó, sau khi xác minh, lập biên bản vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính căn cứ vào mức độ vi phạm, các tình tiết tăng nặng/giảm nhẹ trách nhiệm,…để ra quyết định hình phạt, mức phạt cụ thể.
Hình thức xử phạt bao gồm: Cảnh cáo hoặc phạt tiền (mức tiền phạt là từ 500.000 đồng đến 01 triệu đồng).
Đối với hành vi gây tiếng ồn, làm huyên náo khu dân cư, khu phố, nơi ở…mà không thuộc trường hợp xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự theo quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nếu tần số, mức độ gây tiếng ồn đủ để xử phạt.
Cụ thể, căn cứ tại Điều 22 Nghị định 45/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, người gây tiếng ồn có thể bị xử phạt với các mức phạt gồm:
– Phạt cảnh cáo đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn dưới 02 dBA.
– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 02 dBA đến dưới 05 dBA.
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 05 dBA đến dưới 10 dBA.
– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 10 dBA đến dưới 15 dBA.
– Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 15 dBA đến dưới 20 dBA.
– Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 20 dBA đến dưới 25 dBA.
– Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 25 dBA đến dưới 30 dBA.
– Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 30 dBA đến dưới 35 dBA.
– Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 35 dBA đến dưới 40 dBA.
– Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 40 dBA trở lên.
Đối với một số trường hợp còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm tiếng ồn hay đình chỉ hoạt động cơ sở.
2. Thẩm quyền ra quyết định xử phạt/xử lý hành vi vi phạm
Theo quy định tại Điều 68, Điều 69 Nghị định 144/2021/NĐ-CP bao gồm:
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp;
– Thủ trưởng đơn vị Cảnh sát cơ động cấp đại đội, Đội trưởng của chiến sĩ công an nhân dân đang thi hành nhiệm vụ;
– Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an;
– Trưởng Công an cấp huyện;
– Giám đốc công an tỉnh;…
3. Biện pháp khắc phục hậu quả
-Buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn đạt quy chuẩn kỹ thuật trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm nêu trên.
– Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm tiếng ồn theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm.
Tuy nhiên, nếu hành vi này liên tục lặp lại, kéo dài và trở nên nghiêm trọng thì:
Phạt tiền tăng thêm từ 130.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi sau mà tiếp tục tái phạm và hết thời hạn khắc phục hậu quả vi phạm mà chưa khắc phục được:
Gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 10 dBA trở lên hoặc gây độ rung vượt quy chuẩn kỹ thuật về độ rung từ 20 dB trở lên.
– Buộc phải khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu hoặc phục hồi môi trường theo quy định, thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này gây ra;
– Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm quy định tại Điều này.
Như vậy, việc hàng xóm gây tiếng ồn thường xuyên ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt bình thường của người dân xung quanh có thể bị xử phạt và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được quy định như đã trình bày.
Tuy nhiên, để xử phạt vi phạm người hàng xóm trong trường hợp này, cơ quan/người có thẩm quyền phải tiến hành kiểm tra, đo đạc để xác định mức độ gây tiếng ồn. Tùy thuộc vào mức độ gây tiếng ồn mà mức xử phạt có sự khác nhau.
Trên đây là thông tin mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 1900866637 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.
Trân trọng!