Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn. Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. Hiện nay, có rất nhiều trường hợp lợi dụng việc kết hôn để xuất cảnh, có quốc tịch nước ngoài,… Đây là hành vi kết hôn giả tạo và bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật. Vậy, hành vi kết hôn giả như vậy sẽ bị xử lý như thế nào?
Căn cứ pháp lí:
– Luật Hôn nhân và gia đình 2014
– Nghị định số 82/2020/NĐ-CP
Nội dung giải đáp:
Khoản 11 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định rõ:
“Kết hôn giả tạo là việc lợi dụng kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình”.
Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập, thực hiện theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Trong đó, kết hôn giả tạo là một trong những hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 Luật này.
Kết hôn giả tạo nói chung là vẫn đảm bảo về mặt thủ tục và cặp vợ chồng vẫn được cấp hôn thú tuy nhiên mục đích kết hôn không đảm bảo, việc kết hôn và các thủ tục pháp lý chỉ là hình thức trên mặt giấy tờ, chứ hai người không hề chung sống với nhau hoặc nhanh chóng ly hôn sau khi đã đạt mục đích.
Mọi hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Khi xác định được hành vi kết hôn giả với mục đích để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú… hoặc những hành vi không được pháp luật cho phép khác thì trên cơ sở các quy định, cơ quan chức năng sẽ có căn cứ để thực hiện quyết định xử lý.
Về xử lý hành chính, theo điểm d, khoản 2, Điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã nêu rõ: phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng việc kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình.
Ngoài mức phạt tiền, cá nhân vi phạm còn buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi kết hôn giả tạo.
Ngoài ra tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người vi phạm còn bị thu hồi và bị Tòa án có thẩm quyền hủy bỏ Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn đã cấp.
Về xử lý kỉ luật đối với người vi phạm là công chức, viên chức, theo Nghị định 112/2020/NĐ-CP, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình (trong đó có việc kết hôn giả tạo) thì sẽ phải chịu một trong các hình thức kỷ luật sau đây:
– Đối với công chức: Tùy theo mức độ mà bị khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức.
– Đối với viên chức: Cũng tùy theo mức độ mà bị khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc.
Về xử lý kỷ luật đảng, căn cứ Điều 24 Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Ban Chấp hành TW Đảng quy định về vi phạm quy định về hôn nhân và gia đình, tùy từng trường hợp, mức độ, hậu quả vi phạm mà đảng viên có thể bị xử lý kỉ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức hoặc khai trừ khỏi Đảng
Trên đây là thông tin mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 1900866637 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.
Trân trọng!