Việc khởi kiện tại Tòa án thường là giải pháp cuối cùng để giải quyết tranh chấp nói chung và thu hồi công nợ nói riêng. Tòa án sẽ giải quyết vụ việc và dựa trên các tình tiết, tài liệu, yêu cầu của các bên, cũng như áp dụng pháp luật một cách phù hợp để đưa ra Bản án/ Quyết định. Tuy nhiên, ngay cả khi đã thụ lý Đơn khởi kiện, Tòa án cũng sẽ tiến hành hòa giải trước khi đưa vụ án ra xét xử để tạo điều kiện cho các bên có cơ hội để thỏa thuận, thương lượng nhằm giải quyết tranh chấp mà không cần mở phiên tòa. Trong bài viết này, MYS LAW sẽ đưa ra những đánh giá về giai đoạn Hòa giải trong quá trình tố tụng – một giải pháp giải quyết tranh chấp hiệu quả nhưng thường bị bỏ qua.
1. Hòa giải trong tố tụng là gì?
Hòa giải trong tố tụng theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 là hoạt động tố tụng do Tòa án tiến hành theo pháp luật tố tụng dân sự nhằm hỗ trợ các đương sự thỏa thuận, thương lượng với nhau về giải quyết vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân là các bên tranh chấp thông qua vai trò trung gian của Tòa án.
Như vậy, Hòa giải trong tố tụng dân sự là một thủ tục do Tòa án tiến hành nhằm giúp các đương sự hiểu rõ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, thống nhất việc giải quyết tranh chấp để tiết kiệm chi phí, thời gian cho các bên và cả cho các cơ quan tiến hành tố tụng.
2. Trình tự, thủ tục tiến hành hòa giải trong tố tụng
- Sau khi thụ lý Đơn khởi kiện của nguyên đơn, đối với những vụ án được hòa giải, Tòa án sẽ lên kế hoạch để tổ chức Phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải (“Phiên họp”).
- Trước khi tiến hành Phiên họp, Thẩm phán sẽ thông báo cho đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về thời gian, địa điểm tiến hành phiên họp và nội dung của phiên họp.
- Trong vụ án có nhiều đương sự mà có đương sự vắng mặt, nhưng các đương sự có mặt vẫn đồng ý tiến hành Phiên họp và việc tiến hành Phiên họp đó không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì Thẩm phán tiến hành Phiên họp giữa các đương sự có mặt; nếu các đương sự đề nghị hoãn Phiên hòa giải để có mặt tất cả các đương sự trong vụ án thì Thẩm phán sẽ hoãn Phiên họp. Thẩm phán sẽ thông báo việc hoãn Phiên họp và việc mở lại Phiên họp cho đương sự.
- Tại Phiên hòa giải, Thẩm phán phổ biến cho các đương sự về các quy định của pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án để các đương sự liên hệ đến quyền, nghĩa vụ của mình, phân tích hậu quả pháp lý của việc hòa giải thành để họ tự nguyện thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án.
- Sau đó, Thẩm phán điều hành để nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người này, người khác tham gia Phiên họp hòa giải (nếu có) trình bày quan điểm, ý kiến của mình.
- Sau khi các đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ trình bày hết ý kiến của mình, Thẩm phán xác định những vấn đề các đương sự đã thống nhất, chưa thống nhất và yêu cầu các đương sự trình bày bổ sung về những nội dung chưa rõ, chưa thống nhất. Thẩm phán kết luận về những vấn đề các đương sự đã thống nhất, chưa thống nhất.
- Kết thúc Phiên họp, Thư ký Tòa án sẽ lập biên bản về kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và biên bản về việc hòa giải. Trường hợp các bên thống nhất được phương án giải quyết vụ án, Thẩm phán sẽ đề nghị lập Biên bản hòa giải thành, văn bản này sẽ bao gồm toàn bộ các vấn đề các bên đã thống nhất để giải quyết vụ việc với chữ ký xác nhận của các bên.
- Nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án, và hết thời hạn 07 ngày kể từ ngày lập Biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Quyết định này sẽ có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm và được thi hành án.
3. Ưu và nhược điểm của hòa giải trong quá trình tố tụng
3.1 Ưu điểm
- Tiết kiệm rất nhiều thời gian so với việc xét xử bởi quá trình kể từ khi bắt đầu hòa giải đến khi có Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có thể chỉ kéo dài trong 01 tháng.
- Trước khi mở phiên tòa, Tòa án tiến hành hòa giải; nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì họ chỉ phải chịu 50% mức án phí sơ thẩm. Trong trường hợp này, nguyên đơn có thể thỏa thuận với bị đơn để bị đơn chịu toàn bộ án phí sơ thẩm. Do đó, nguyên đơn có quyền đề nghị Cơ quan thi hành án dân sự hoàn trả lại tiền tạm ứng án phí ngay sau khi Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật.
- Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự sẽ có hiệu lực pháp luật kể từ thời điểm được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, đồng thời được thi hành án theo quy định. Điều này giúp tiết kiệm thời gian do vụ việc không bị kéo dài, hơn nữa doanh nghiệp có quyền đề nghị Cơ quan thi hành án buộc bên có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
3.2. Nhược điểm
- Chỉ có thể hòa giải nếu cả hai bên cùng thống nhất để đưa ra phương án hòa giải và có thiện chí hòa giải.
- Không thể hòa giải nếu một trong hai bên đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai nhưng vẫn vắng mặt.
- Do phải thống nhất để đưa ra phương án hòa giải nên nguyên đơn có thể phải chia sẻ một phần lợi ích với bị đơn.
- Nếu đã thống nhất về việc hòa giải và Tòa án đã ban hành Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, các bên sẽ không thể tiến hành khởi kiện đối với các yêu cầu đã được tòa án giải quyết.
Trên đây là thông tin mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 0969.361.319 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.