Hệ thống ngành nghề kinh tế Việt Nam là căn cứ để lựa chọn mã ngành nghề khi thành lập, thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp. Vậy làm sao để biết ngành nghề mà mình muốn đăng kí kinh doanh có mã ngành là gì? Mys Law sẽ giải đáp thông qua bài viết “Hướng dẫn tra cứu mã ngành nghề kinh doanh” dưới đây.
Mã ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp đăng ký theo mã ngành kinh tế Việt Nam ghi nhận tại phụ lục I Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ban hành ngày 06/7/2018.
Khái quát về hệ thống ngành nghề kinh tế Việt Nam
Hệ thống ngành nghề kinh tế Việt Nam là căn cứ để lựa chọn mã ngành nghề khi thành lập, thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.
Khoản 1 Điều 7 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về ngành, nghề kinh doanh khi đăng ký thành lập doanh nghiệp như sau:
“1. Khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, khi thông báo bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh hoặc khi đề nghị cấp đổi sang Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp lựa chọn ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam để ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.”
Hiện nay, hệ thống ngành, nghề kinh tế Việt Nam được quy định cụ thể tại Quyết định 27/2018/QĐ-TTg. Trước đó, được quy định tại Quyết định 10/2007/QĐ-TTg.
Theo Điều 3 Quyết định 27/2018/QĐ-TTg, hệ thống ngành kinh tế Việt Nam bao gồm Danh mục và Nội dung, cụ thể:
Danh mục:
– Ngành cấp 1 gồm 21 ngành được mã hóa theo bảng chữ cái lần lượt từ A đến U;
– Ngành cấp 2 gồm 88 ngành; mỗi ngành được mã hóa bằng hai số theo ngành cấp 1 tương ứng;
– Ngành cấp 3 gồm 242 ngành; mỗi ngành được mã hóa bằng ba số theo ngành cấp 2 tương ứng;
– Ngành cấp 4 gồm 486 ngành; mỗi ngành được mã hóa bằng bốn số theo ngành cấp 3 tương ứng;
– Ngành cấp 5 gồm 734 ngành; mỗi ngành được mã hóa bằng năm số theo ngành cấp 4 tương ứng.
Nội dung:
Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam giải thích rõ những hoạt động kinh tế gồm các yếu tố được xếp vào từng bộ phận, trong đó:
– Bao gồm: Những hoạt động kinh tế được xác định trong ngành kinh tế;
– Loại trừ: Những hoạt động kinh tế không được xác định trong ngành kinh tế nhưng thuộc các ngành kinh tế khác.
Cách tra cứu ngành, nghề nhanh khi đăng ký thành lập doanh nghiệp
1. Tra cứu theo nội dung của từng danh mục ngành, nghề.
Doanh nghiệp lưu ý, ngành cấp 1 là những nhóm ngành kinh tế lớn, ngành cấp 2, 3, 4 quy định ngành, nghề chi tiết hơn ngành, nghề cấp 1.
Ví dụ:
– Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản: cấp 1
– Trồng cây hàng năm: Cấp 2
– Trồng lúa: Cấp 3
Căn cứ vào lĩnh vực kinh doanh của tổ chức, việc tra cứu ngành, nghề có thể được thực hiện từ tra cứu theo thứ tự từ ngành, nghề rộng (cấp 1) đến từng ngành, nghề nhỏ (cấp 2, 3, 4). Cuối cùng, doanh nghiệp sẽ lựa chọn ngành, nghề cấp 4 để ghi vào Giấy đề nghị đăng ký thành lập doanh nghiệp.
2. Tra cứu theo từ khoá
– Tổ chức đăng ký kinh doanh có thể tra cứu trực tiếp mã ngành, nghề cấp 4 bằng cách tra cứu theo từ khoá liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của tổ chức đó tại Quyết định 27/2018/QĐ-TTg.
Ví dụ:
Lĩnh vực kinh doanh của công ty A là công nghệ thông tin. Một số từ khoá liên quan đến ngành, nghề này như: Công nghệ, máy tính, phần mềm…
Việc tra cứu theo từ khoá được thực hiện bằng cách nhấn tổ hợp phím Ctrl + F, rồi gõ từ khoá cần tìm kiếm.
Lưu ý: Ngoài việc tra cứu trực tiếp tại Quyết định 27/2018/QĐ-TTg, doanh nghiệp có thể tra cứu tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp tại đường link : https://dangkykinhdoanh.gov.vn/vn/Pages/NganhNghe.aspx
Cách ghi ngành, nghề khi đăng ký doanh nghiệp
– Doanh nghiệp lựa chọn ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam để ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy đề nghị cấp đổi sang Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
– Đối với những ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì ngành, nghề kinh doanh được ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó.
– Đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam nhưng được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì ngành, nghề kinh doanh được ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó.
– Đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì Cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét ghi nhận ngành, nghề kinh doanh này vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nếu không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, đồng thời thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) để bổ sung ngành, nghề kinh doanh mới.
Lưu ý: Doanh nghiệp có thể ghi ngành, nghề chi tiết hơn.
Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu ghi ngành, nghề kinh doanh chi tiết hơn ngành kinh tế cấp bốn thì doanh nghiệp lựa chọn một ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, sau đó ghi chi tiết ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp dưới ngành cấp bốn nhưng phải đảm bảo ngành, nghề kinh doanh chi tiết của doanh nghiệp phù hợp với ngành cấp bốn đã chọn.
Trong trường hợp này, ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp là ngành, nghề kinh doanh chi tiết doanh nghiệp đã ghi.
Ví dụ:
– 6201: Lập trình máy vi tính
Chi tiết: Hoạt động viết, sửa, thử nghiệm và trợ giúp các phần mềm theo yêu cầu sử dụng riêng biệt của từng khách hàng.
Như vậy, việc tra cứu mã ngành nghề kinh doanh không khó. Tuy nhiên, cần lưu ý khi ghi nội dung ngành, nghề trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải ghi mã ngành nghề cấp 4.
Trên đây là thông tin mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 1900866637 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.
Trân trọng!