Căn cứ pháp lý:

  • Luật Thi hành án dân sự năm 2009 sửa đổi, bổ sung năm 2014;
  • Nghị định số: 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự;
  • Công văn số 263/VKSTC-V11 về trả lời khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự.

Thứ nhất, về cơ sở để kê biên đối với tài sản chung là nhà đất của vợ chồng:  

Điểm a khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định cơ quan thi hành án dân sự chỉ kê biên, xử lý đối với tài sản chung là quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khi các tài sản khác không đủ để thi hành án hoặc khi có đề nghị của đương sự theo quy định tại Khoản 4 Điều 24 Nghị định này. Do đó, cơ quan thi hành án dân sự chỉ có thể tiến hành kê biên xử lý tài sản chung là quyền sử dụng đất, nhà ở khi thuộc hai trường hợp sau đây:

– Xác minh được các tài sản khác thuộc sở hữu của chồng/vợ bạn không đủ điều kiện để thi hành án.

– Hoặc khi người phải thi hành án tự nguyện đề nghị kê biên tài sản là quyền sử dụng đất, nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất trong số nhiều tài sản mà không gây trở ngại cho việc thi hành án và tài sản đó đủ để thi hành án theo quy định tại khoản 4 Điều Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP.

Như vậy, tài sản chung của vợ chồng là nhà đất đang ở vẫn bị xem xét kê biên để đảm bảo thi hành án theo quy định.

Thứ hai, về vấn đề xử lý tài sản chung để kê biên:

*) Trường hợp tài sản chung là nhà đất của vợ chồng mà đã xác định được phần tài sản, quyền tài sản của từng người thì Chấp hành viên kê biên phần tài sản, quyền tài sản của người phải thi hành án để thi hành án theo quy định tại Khoản 2 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự, khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP. 

Tài sản kê biên thuộc sở hữu chung đã xác định được phần sở hữu của các chủ sở hữu chung được xử lý như sau:

– Đối với tài sản chung có thể chia được thì Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế phần tài sản tương ứng với phần sở hữu của người phải thi hành án.

– Đối với tài sản chung không thể chia được hoặc nếu việc phân chia làm giảm đáng kể giá trị của tài sản thì Chấp hành viên có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với toàn bộ tài sản và thanh toán cho chủ sở hữu chung còn lại giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của họ.

*) Trường hợp chưa xác định được phần quyền của người phải thi hành án thì thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự căn cứ theo Công văn số: 263.VKSTC-V11 về việc trả lời khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự. Cụ thể:

– Chấp hành viên phải thông báo cho vợ chồng về phần quyền sử dụng đất, nhà ở trong khối tài sản chung để vợ chồng tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

– Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận vi phạm quy định tại Điều 6 của Luật Thi hành án dân sự hoặc thỏa thuận không được và không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.

– Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà người được thi hành án là ông A không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.

– Chấp hành viên xử lý tài sản theo quyết định của Tòa án.

Trên đây là kiến thức mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 0969.361.319 hoặc email: [email protected] 

Trân trọng!