Dữ liệu cá nhân là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự trên môi trường điện tử gắn liền với một con người cụ thể hoặc giúp xác định một con người cụ thể. Chủ thể dữ liệu là cá nhân được dữ liệu cá nhân phản ánh. Vậy khi có yêu cầu hạn chế xử lý dữ liệu cá nhân của Chủ thể dữ liệu thì việc hạn chế xử lý dữ liệu được thực hiện khi nào? Hãy cùng Mys Law tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

– Nghị định 13/2023/NĐ-CP.

Chủ thể dữ liệu có được yêu cầu các tổ chức, cá nhân khác có liên quan bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình hay không?

Căn cứ tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 13/2023/NĐ-CP về nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu cụ thể như sau:

Điều 10. Nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu

1. Tự bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình; yêu cầu các tổ chức, cá nhân khác có liên quan bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình.

2. Tôn trọng, bảo vệ dữ liệu cá nhân của người khác.

3. Cung cấp đầy đủ, chính xác dữ liệu cá nhân khi đồng ý cho phép xử lý dữ liệu cá nhân.

4. Tham gia tuyên truyền, phổ biến kỹ năng bảo vệ dữ liệu cá nhân.

5. Thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân và tham gia phòng, chống các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Như vậy, chủ thể dữ liệu được yêu cầu các tổ chức, cá nhân khác có liên quan bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình theo quy định của pháp luật.

Khi có yêu cầu hạn chế xử lý dữ liệu của Chủ thể dữ liệu thì việc hạn chế xử lý dữ liệu được thực hiện khi nào?

Căn cứ tại Điều 9 Nghị định 13/2023/NĐ-CP về quyền của chủ thể dữ liệu:

Điều 9. Quyền của chủ thể dữ liệu

1. Quyền được biết

Chủ thể dữ liệu được biết về hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp luật có quy định khác.

2. Quyền đồng ý

Chủ thể dữ liệu được đồng ý hoặc không đồng ý cho phép xử lý dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp quy định tại Điều 17 Nghị định này.

3. Quyền truy cập

Chủ thể dữ liệu được truy cập để xem, chỉnh sửa hoặc yêu cầu chỉnh sửa dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp luật có quy định khác.

4. Quyền rút lại sự đồng ý

Chủ thể dữ liệu được quyền rút lại sự đồng ý của mình, trừ trường hợp luật có quy định khác.

5. Quyền xóa dữ liệu

Chủ thể dữ liệu được xóa hoặc yêu cầu xóa dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp luật có quy định khác.

6. Quyền hạn chế xử lý dữ liệu

a) Chủ thể dữ liệu được yêu cầu hạn chế xử lý dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp luật có quy định khác;

b) Việc hạn chế xử lý dữ liệu được thực hiện trong 72 giờ sau khi có yêu cầu của chủ thể dữ liệu, với toàn bộ dữ liệu cá nhân mà chủ thể dữ liệu yêu cầu hạn chế, trừ trường hợp luật có quy định khác.

7. Quyền cung cấp dữ liệu

Chủ thể dữ liệu được yêu cầu Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân cung cấp cho bản thân dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Như vậy, trừ trường hợp luật có quy định khác, việc hạn chế xử lý dữ liệu được thực hiện trong 72 giờ sau khi có yêu cầu của chủ thể dữ liệu, với toàn bộ dữ liệu cá nhân mà chủ thể dữ liệu yêu cầu hạn chế.

Nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân được quy định như thế nào?

Căn cứ tại Điều 3 Nghị định 13/2023/NĐ-CP thì nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân được quy định như sau:

– Dữ liệu cá nhân được xử lý theo quy định của pháp luật.

– Chủ thể dữ liệu được biết về hoạt động liên quan tới xử lý dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp luật có quy định khác.

– Dữ liệu cá nhân chỉ được xử lý đúng với mục đích đã được Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Xử lý dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân, Bên thứ ba đăng ký, tuyên bố về xử lý dữ liệu cá nhân.

– Dữ liệu cá nhân thu thập phải phù hợp và giới hạn trong phạm vi, mục đích cần xử lý. Dữ liệu cá nhân không được mua, bán dưới mọi hình thức, trừ trường hợp luật có quy định khác.

– Dữ liệu cá nhân được cập nhật, bổ sung phù hợp với mục đích xử lý.

– Dữ liệu cá nhân được áp dụng các biện pháp bảo vệ, bảo mật trong quá trình xử lý, bao gồm cả việc bảo vệ trước các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và phòng, chống sự mất mát, phá hủy hoặc thiệt hại do sự cố, sử dụng các biện pháp kỹ thuật.

– Dữ liệu cá nhân chỉ được lưu trữ trong khoảng thời gian phù hợp với mục đích xử lý dữ liệu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

– Bên Kiểm soát dữ liệu, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân phải chịu trách nhiệm tuân thủ các nguyên tắc xử lý dữ liệu được quy định từ khoản 1 tới khoản 7 Điều 3 Nghị định 13/2023/NĐ-CP và chứng minh sự tuân thủ của mình với các nguyên tắc xử lý dữ liệu đó.

Trên đây là thông tin mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 1900866637 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.

Trân trọng!