Hiện nay vị thế của người phụ nữ trong gia đình ngày càng được nâng cao, tuy nhiên vẫn có những gia đình mà người chồng không cho vợ đi làm mà bắt vợ ở nhà làm nội trợ, chăm sóc con cái. Vậy hành vi này có vi phạm pháp luật không? Hãy theo dõi bài viết dưới đây của Mys Law để biết thêm thông tin chi tiết.

1. Chồng không cho vợ đi làm, yêu cầu vợ ở nhà nội trợ là không đúng pháp luật

Căn cứ Điều 17 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp, Luật này và các luật khác có liên quan.

Do đó, chồng bạn không có quyền bắt bạn không đi làm. Việc chồng bắt vợ không đi làm, ở nhà làm nội trợ là hành vi vi phạm pháp luật.

2. Chồng không cho vợ đi làm có thể bị xử phạt

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 13 Nghị định 125/2021/NĐ-CP, cản trở hoặc không cho thành viên trong gia đình thực hiện các hoạt động tạo thu nhập hoặc đáp ứng các nhu cầu khác của gia đình vì lý do giới tính sẽ bị phạt tiền từ 03 triệu đồng đến 05 triệu đồng.

Điều 13. Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới liên quan đến gia đình – Nghị định 125/2021/NĐ-CP

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cản trở hoặc không cho thành viên trong gia đình thực hiện các hoạt động tạo thu nhập hoặc đáp ứng các nhu cầu khác của gia đình vì lý do giới tính;

b) Đối xử bất bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình vì lý do giới tính.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Đe dọa dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần nhằm cản trở thành viên trong gia đình có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình vì lý do giới tính;

b) Áp đặt việc thực hiện lao động gia đình, sử dụng biện pháp tránh thai, triệt sản như là trách nhiệm của thành viên trong gia đình thuộc một giới nhất định.

3. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi dùng vũ lực nhằm cản trở thành viên trong gia đình có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình vì lý do giới tính.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại khoản 3 Điều này.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc xin lỗi công khai người bị xâm phạm đối với hành vi quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều này (trừ trường hợp người bị xâm phạm có đơn không yêu cầu);

b) Buộc chịu mọi chi phí khám bệnh, chữa bệnh hợp lý đối với hành vi quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này trong trường hợp gây thiệt hại về sức khỏe, tinh thần cho người bị xâm phạm;

c) Buộc khôi phục quyền lợi hợp pháp của người bị xâm phạm đối với hành vi quy định tại khoản 1, điểm a khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Trên đây là thông tin mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 1900866637 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.

Trân trọng!