Kinh doanh là hoạt động của cá nhân hoặc tổ chức tham gia đầu tư, sản xuất, mua bán hoặc cung ứng dịch vụ cho các chủ thể khác vì mục đích kinh tế, kiếm lời. Nguồn thu nhập từ hoạt động kinh doanh của họ là người sống chính.

Ngày 24/7/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 56/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Căn cứ pháp lý:

– Nghị định 96/2016/NĐ-CP;

– Bộ luật Dân sự 2015;

– Nghị định 56/2023/NĐ-CP.

1. Kinh doanh dịch vụ cầm đồ là gì?

Theo khoản 4 Điều 3 Nghị định 96/2016/NĐ-CP thì kinh doanh dịch vụ cầm đồ, gồm: Kinh doanh dịch vụ cho vay tiền mà người vay tiền phải có tài sản hợp pháp mang đến cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ để cầm cố.


2. Lãi suất cho vay thông qua dịch vụ cầm đồ là bao nhiêu?

Căn cứ theo khoản 6 Điều 29 Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định về lãi suất cho vay thông qua dịch vụ cầm đồ như sau:

Tỷ lệ lãi suất cho vay tiền khi nhận cầm cố tài sản không vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật dân sự.

Theo đó, tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định

–  Lãi suất vay do các bên thỏa thuận:

+ Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. + Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định nêu trên thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

– Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định nêu trên tại thời điểm trả nợ.

3. Trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ 

Tại Điều 29 Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ như sau:

Ngoài trách nhiệm quy định tại Điều 25 Nghị định 96/2016/NĐ-CP, cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ có trách nhiệm:

– Kiểm tra giấy tờ tùy thân của người mang tài sản đến cầm cố, gồm: Giấy chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu hoặc giấy tờ cá nhân khác có dán ảnh do cơ quan quản lý nhà nước cấp, còn giá trị sử dụng, đồng thời photocopy lưu lại tại cơ sở kinh doanh.

– Lập hợp đồng cầm cố tài sản theo quy định của pháp luật.

– Đối với những tài sản cầm cố theo quy định của pháp luật phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu thì chỉ được cầm cố khi các tài sản đó có đầy đủ giấy sở hữu và cơ sở kinh doanh phải giữ lại bản chính của các loại giấy đó trong thời gian cầm cố tài sản.

– Đối với những tài sản cầm cố thuộc sở hữu của người thứ ba phải có văn bản ủy quyền hợp lệ của chủ sở hữu.

– Không được nhận cầm cố đối với tài sản không rõ nguồn gốc hoặc tài sản do các hành vi vi phạm pháp luật mà có.

– Tỷ lệ lãi suất cho vay tiền khi nhận cầm cố tài sản không vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật dân sự.

– Bố trí kho bảo quản tài sản cầm cố và đảm bảo an toàn đối với tài sản của người mang tài sản đến cầm cố.

4. Điều kiện về an ninh, trật tự đối với kinh doanh dịch vụ cầm đồ

Tại Điều 9 Nghị định 96/2016/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 56/2023/NĐ-CP) quy định điều kiện về an ninh trật tự đối với kinh doanh dịch vụ cầm đồ như sau:

Ngoài những điều kiện quy định tại Điều 7 Nghị định 96/2016/NĐ-CP, cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ phải đáp ứng điều kiện sau đây:

Trong thời gian 05 năm liền kề trước thời điểm đăng ký kinh doanh, người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ không bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi:

Chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, cho vay lãi nặng, đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chiếm giữ trái phép tài sản.

Trên đây là thông tin mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 0969.361.319 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.

Trân trọng!