Thực tế hiện nay có nhiều cá nhân, tổ chức hoạt động kinh doanh nhưng không hề đăng ký với cơ quan Nhà nước. Vậy kinh doanh không có giấy phép là vi phạm gì? Trường hợp kinh doanh không có giấy phép sẽ bị xử phạt thế nào?  Cùng Mys Law tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lí:

  • Luật Doanh nghiệp 2020 
  • Luật Thương mại năm 2005
  • Nghị định 39/2007/NĐ-CP
  • Nghị định 01/2021/NĐ-CP

Giấy phép kinh doanh là gì ?

Giấy phép kinh doanh (GPKD) là loại giấy được cấp cho các doanh nghiệp có kinh doanh ngành nghề có điều kiện, loại giấy này thông thường được cấp sau Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Theo khoản 1 điều 8 Luật doanh nghiệp 2020: Doanh nghiệp có nghĩa vụ đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đầu tư kinh doanh đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh

Điều kiện kinh doanh là yêu cầu mà doanh nghiệp phải có hoặc phải thực hiện khi kinh doanh ngành, nghề cụ thể, được thể hiện bằng giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, yêu cầu về vốn pháp định hoặc yêu cầu khác. Trên thực tế chúng ta hay gọi tắt tất cả các loại giấy này gọi tắt là giấy phép kinh doanh.

Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hay theo chúng ta vẫn hay gọi là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không hẳn là giấy phép kinh doanh. Vì giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là việc cá nhân, tổ chức đi đăng ký. Còn giấy phép kinh doanh là việc cá nhân, tổ chức đi xin phép.

Kinh doanh trong trường hợp nào phải có giấy phép?

Theo quy định tại Điều 7 Luật Thương mại năm 2005, thương nhân có nghĩa vụ đăng ký kinh doanh theo quy định. Nếu chưa đăng ký thì vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của mình.

Trong đó, thương nhân là cá nhân, tổ chức hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên, có đăng ký kinh doanh, hoạt động trong các ngành nghề, địa bàn và các hình thức mà pháp luật không cấm.

Hiện nay, có nhiều hình thức kinh doanh như cá nhân kinh doanh, hợp tác xã, thành lập doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể… Nhưng mô hình kinh doanh phổ biến được nhiều người biết đến là thành lập doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể. Và nghĩa vụ đăng ký kinh doanh được quy định như sau:

– Doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp (khoản 2 Điều 8 Luật Doanh nghiệp).

– Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối, người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến… không phải đăng ký kinh doanh trừ trường hợp kinh doanh ngành, nghề đầu tư có điều kiện (khoản 2 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP).

– Cá nhân buôn bán rong, buôn bán vặt, buôn chuyến, đánh giày, bán vé số, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc… không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh (khoản 1 Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP)…

Như vậy, ngoài những trường hợp nêu trên thì phải tiến hành đăng ký kinh doanh. Khi thực hiện đúng trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh, tổ chức, cá nhân sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (đối với doanh nghiệp); Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh (đối với hộ kinh doanh). 

Kinh doanh không có giấy phép bị phạt bao nhiêu tiền?

Theo Nghị định 122/2021/NĐ-CP, các vi phạm về đăng ký kinh doanh sẽ bị phạt tiền theo các mức sau đây:

– Kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký: phạt 50 – 100 triệu đồng. Buộc đăng ký thành lập doanh nghiệp.

– Vẫn kinh doanh khi đã bị thu hồi giấy đăng ký doanh nghiệp hoặc bị yêu cầu tạm ngừng kinh doanh hoặc đình chỉ hoạt động: phạt 50 – 100 triệu đồng.

– Vẫn kinh doanh ngành, nghề có điều kiện dù đã có yêu cầu tạm ngừng của cơ quan đăng ký kinh doanh: phạt 15 – 20 triệu đồng.

– Vẫn thành lập hộ kinh doanh dù không được quyền – Không đăng ký hộ kinh doanh dù thuộc trường hợp phải đăng ký : phạt 05 – 10 triệu đồng.

– Tiếp tục kinh doanh ngành, nghề có điều kiện dù đã bị cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện yêu cầu tạm ngừng: 10 – 20 triệu đồng.

– Tiếp tục kinh doanh trước hạn đã thông báo nhưng không gửi thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký cấp huyện nơi đã đăng ký: phạt 05 – 10 triệu đồng.

Tóm lại, kinh doanh không có giấy phép sẽ bị xử phạt hành chính theo các mức như trên. Hiện nay, thủ tục đăng ký kinh doanh cũng không quá phức tạp, tổ chức, cá nhân khi kinh doanh phải đăng ký doanh để không bị phạt tiền.

Trên đây là kiến thức mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 0969.361.319 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.

Trân trọng!