Tết Âm lịch 2025, theo thông báo của Chính phủ, sẽ được áp dụng lịch nghỉ như sau:
Đối với người lao động trong khối nhà nước, thời gian nghỉ từ ngày 25/01/2025 (thứ Bảy, tức 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn) đến hết ngày 02/02/2025 (Chủ nhật, tức mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ). Tổng cộng, người lao động có 9 ngày nghỉ liên tục, bao gồm 5 ngày nghỉ Tết theo quy định và 4 ngày nghỉ cuối tuần.
Trong khối doanh nghiệp tư nhân, người sử dụng lao động được quyền tự sắp xếp lịch nghỉ cho người lao động, đảm bảo tối thiểu 5 ngày liên tiếp. Một số phương án phổ biến bao gồm: nghỉ 1 ngày cuối năm Giáp Thìn và 4 ngày đầu năm Ất Tỵ; nghỉ 2 ngày cuối năm Giáp Thìn và 3 ngày đầu năm Ất Tỵ; hoặc nghỉ 3 ngày cuối năm Giáp Thìn và 2 ngày đầu năm Ất Tỵ. Nếu ngày nghỉ hàng tuần trùng với ngày lễ, Tết, người lao động được nghỉ bù vào ngày làm việc tiếp theo.
Mức lương trả cho người lao động làm việc vào các ngày lễ, Tết
Theo quy định tại Điều 98 Bộ luật Lao động 2019, mức lương trả cho người lao động làm việc vào ngày lễ, Tết như sau:
- Người làm việc vào ban ngày được trả ít nhất 300% tiền lương tính theo đơn giá hoặc mức lương thực trả, chưa kể tiền lương ngày lễ.
- Người làm việc vào ban đêm nhận ít nhất 490% tiền lương.
Ngày lễ, Tết trong năm người lao động được nghỉ làm và hưởng nguyên lương
Người lao động được nghỉ làm, hưởng nguyên lương vào các ngày:
- Tết Dương lịch (ngày 1 tháng 1 Dương lịch).
- Tết Âm lịch (5 ngày).
- Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (ngày 10 tháng 3 Âm lịch).
- Ngày Chiến thắng (ngày 30 tháng 4 Dương lịch).
- Ngày Quốc tế Lao động (ngày 1 tháng 5 Dương lịch).
- Ngày Quốc khánh (2 ngày, gồm ngày 2 tháng 9 và một ngày liền kề trước hoặc sau).
Lưu ý thêm rằng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam được nghỉ thêm 1 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 1 ngày Quốc khánh của nước họ.
Trên đây là thông tin mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 0969.361.319 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.
Trân trọng!
Người biên tập: Nguyễn Anh Quân