Khi mục đích hôn nhân ban đầu không đạt được, bạn có nhu cầu ly hôn đơn phương. Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau ví dụ như một bên phải đi công tác, định cư, ốm đau… nên không thể tham gia phiên tòa được. Vậy mọi người đặt ra thắc mắc Ly hôn đơn phương vắng mặt có được không? Ly hôn đơn phương được vắng mặt mấy lần? Thủ tục tiến hành ly hôn đơn phương vắng mặt như thế nào? Thông qua bài viết dưới đây Mys Law sẽ giải đáp thắc mắc vấn đề trên.
Cơ sở pháp lý
- Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
- Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
- Nghị quyết 326/2016/UBTVQH
Ly hôn đơn phương vắng mặt có được không?
Thủ tục ly hôn đơn phương cũng là một thủ tục tố tụng dân sự thông thường. Do đó, nếu đương sự vắng mặt tại phiên toà thì Toà án vẫn có thể tiến hành xét xử như thông thường theo quy định tại Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 nếu thuộc một trong các trường hợp như sau:
- Vợ, chồng có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt;
- Vợ, chồng vắng mặt tại phiên tòa nhưng có người đại diện tham gia phiên tòa;
- Vợ, chồng vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan.
Theo quy định tại điều 227 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 về sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong phiên tòa sơ thẩm thì:
- Đối với nguyên đơn (người yêu cầu ly hôn) vắng mặt sau hai lần Toà án triệu tập mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu ly hôn của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật.
- Đối với bị đơn (người bị yêu cầu ly hôn) vắng mặt khi Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ 1, không cần xét tới lý do thì phiên tòa sẽ bị hoãn, trừ trường hợp có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
Nhưng nếu bị đơn vắng mặt tại lần triệu tập thứ hai, không có đơn xin xét xử vắng mặt hoặc không có người đại diện tham gia phiên tòa thì xẽ bị xử lý như sau:
- Nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan, Tòa án có thể hoãn phiên tòa.
- Nếu vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan, nếu:
– Trường hợp bị đơn không có yêu cầu phản tố vắng mặt thì Tòa án sẽ tiến hành xét xử vắng mặt.
– Trường hợp bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu phản tố, Tòa án đình chỉ giải quyết yêu cầu của bị đơn và tiến hành xét xử vắng mặt.
– Trường hợp bị đơn vẫn tiếp tục có yêu cầu phản tố thì bị đơn vẫn có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu phản tố đó theo quy định của pháp luật.
Ly hôn đơn phương được vắng mặt mấy lần?
Pháp luật hiện hành không quy định cụ thể về việc ly hôn đơn phương vắng mặt được mấy lần.
Tuy nhiên, căn cứ Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì thủ tục đơn phương ly hôn có thể vắng mặt đến lần thứ hai.
Nếu triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai rồi mà nguyên đơn vắng mặt mà không có lý do chính đáng, không có đơn xin xét xử vắng mặt thì Tòa án đình chỉ yêu cầu của nguyên đơn; bị đơn vắng mặt mà không có lý do chính đáng, không có đơn xin xét xử vắng mặt thì Tòa án vẫn sẽ xét xử vắng mặt họ nếu người nộp đơn xin ly hôn có căn cứ ly hôn đơn phương theo quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
Thủ tục xin vắng mặt khi ly hôn đơn phương
Thủ tục ly hôn đơn phương vắng mặt bao gồm các bước như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ ly hôn đơn phương
Người có yêu cầu ly hôn sẽ phải chuẩn bị những giấy tờ như sau:
- Đơn khởi kiện về việc ly hôn;
- Đơn đề nghị xét xử vắng mặt;
- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản gốc);
- Chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu của vợ, chồng (bản sao có công chứng hoặc chứng thực);
- Sổ hộ khẩu của vợ, chồng (bản sao có công chứng, chứng thực);
- Giấy khai sinh của các con (bản sao có chứng thực – nếu có con chung);
- Những giấy tờ, tài liệu có liên quan về quyền sở hữu tài sản (nếu có yêu cầu phân chia tài sản).
Bước 2: Nộp hồ sơ khởi kiện
Sau khi chuẩn bị xong đầy đủ hồ sơ, người có yêu cầu sẽ phải nộp hồ sơ ly hôn đơn phương tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền và nhận kết quả xử lý đơn ly hôn.
Bước 3: Nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm
Nộp tiền tạm ứng án phí tại cơ quan thi hành án dân sự, sau đó nộp lại biên lai tạm ứng án phí cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết.
Bước 4: Tòa triệu tập lấy lời khai, hòa giải, tiền hành thủ tục theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự
Bước 5: Xét xử tại Tòa án
Thời gian giải quyết
- Thời hạn chuẩn bị xét xử: 04 đến 06 tháng
- Thời hạn mở phiên tòa: Từ 01 đến 02 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Trên đây là toàn bộ lời tư vấn của chúng tôi về quy định của pháp luật về vấn đề thủ tục ly hôn đơn phương vắng mặt.
Nếu có thắc mắc cần được giải đáp hoặc mong muốn được Luật sư trợ giúp về các vấn đề thủ tục ly hôn vắng mặt, bạn vui lòng liên hệ 0969.361.319 hoặc email: [email protected]
Trân trọng!