Thực tế có nhiều người quan niệm rằng, ly thân là đã chấm dứt quan hệ vợ chồng và “thoải mái” có quan hệ với nhiều người khác. Hiện nay, trong tất cả các văn bản pháp luật về hôn nhân và gia đình không có khái niệm ly thân. Đây chỉ là cách gọi thông thường và là sự hiểu nhầm của các cặp vợ chồng. Theo đó, Ly thân được hiểu là việc hai vợ chồng không sống chung với nhau khi quan hệ tình cảm có rạn nứt nhưng chưa thực hiện các thủ tục ly hôn. Vậy ly thân thì quan hệ hôn nhân có chấm dứt không? Hãy cùng Mys Law tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Ly thân thì quan hệ hôn nhân sẽ chấm dứt có phải không?

Căn cứ theo Điều 19 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định như sau:

Điều 19. Tình nghĩa vợ chồng

1. Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình.

2. Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác.

Do đó, vợ chồng khi đã kết hôn, được pháp luật thừa nhận, bảo vệ thì có nghĩa vụ sống chung với nhau trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc có lý do chính đáng.

Đồng thời, hiện nay, không có một văn bản pháp luật nào quy định về việc ly thân. Đây hiện chỉ là cụm từ thường được các cặp đôi dùng để miêu tả quan hệ vợ chồng đã rạn nứt, không còn sống chung với nhau nữa.

Ngoài ra, căn cứ khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì quan hệ hôn nhân chỉ chấm dứt khi vợ chồng ly hôn theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.

Theo đó, ly thân chỉ là việc hai vợ chồng tạm thời không sống chung với nhau nhưng quan hệ hôn nhân và gia đình vẫn chưa chấm dứt. Do đó, hai người vẫn là vợ chồng trên pháp luật. Hiểu rằng khi chưa có động thái ly hôn và chưa có bản án kết luận của Tòa án thì quan hệ hôn nhân trong mọi tình huống khác đều không bị chấm dứt.

Như vậy, có thể khẳng định, ly thân không làm quan hệ vợ chồng chấm dứt. Hai người chỉ thực sự không còn là vợ chồng nếu thực hiện thủ tục ly hôn và quyết định, bản án ly hôn đã có hiệu lực.

Quan hệ hôn nhân chấm dứt khi nào theo quy định của pháp luật?

Căn cứ theo Điều 57 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định như sau:

Điều 57. Thời điểm chấm dứt hôn nhân và trách nhiệm gửi bản án, quyết định ly hôn

1. Quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

2. Tòa án đã giải quyết ly hôn phải gửi bản án, quyết định ly hôn đã có hiệu lực pháp luật cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn để ghi vào sổ hộ tịch; hai bên ly hôn; cá nhân, cơ quan, tổ chức khác theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và các luật khác có liên quan.

Theo đó, quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Các quan hệ hôn nhân và gia đình có được pháp luật bảo vệ hay không? 

Căn cứ theo Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:

Điều 5. Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình

1. Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập, thực hiện theo quy định của Luật này được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

2. Cấm các hành vi sau đây:

a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;

b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;

c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

đ) Yêu sách của cải trong kết hôn;

e) Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;

g) Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;

h) Bạo lực gia đình;

i) Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.

3. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.

4. Danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật đời tư và các quyền riêng tư khác của các bên được tôn trọng, bảo vệ trong quá trình giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình.

Theo đó, quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập, thực hiện theo quy định của Luật này được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

Trên đây là thông tin mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 1900866637 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.

Trân trọng!